(GLO)- Trong 9 tháng của năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận, xử lý 745 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, trong đó phá rừng trái phép 28 vụ; khai thác rừng 43 vụ; mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép 646 vụ… Tuy vậy, theo đánh giá của Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai, tổng số vụ vi phạm đã giảm 120 vụ so với thời điểm cùng kỳ.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Để giảm được số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nói trên, trong 9 tháng qua các hạt kiểm lâm, đội cơ động, ban quản lý rừng tại các địa phương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ rừng tại các thôn, làng, cộng đồng dân cư với trên 150 đợt nhằm giúp người dân hiểu; đồng thời trên 10 ngàn hộ dân sống gần rừng đã thực hiện việc ký cam kết về an toàn lửa rừng, không mua bán, săn bắn, khai thác các động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Riêng với các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn, Chi cục đã tiến hành thực hiện nghiêm theo Thông tư 01 và 42 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản đảm bảo hoạt động công khai, minh bạch, ngăn ngừa hành vi lợi dụng để hợp thức hóa nguồn gốc lâm sản bất hợp pháp.
Theo tổng hợp từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong số 745 vụ vi phạm được phát hiện trong 9 tháng năm 2014, nổi lên một số địa phương có số vụ vi phạm lớn như: Kbang 116 vụ (36 vụ khai thác lâm sản, 75 vụ vận chuyển, mua bán); Đức Cơ 80 vụ (72 vụ vận chuyển, mua bán); Ia Grai 64 vụ (61 vụ vận chuyển, mua bán)…đã xử lý 721 vụ, khởi tố hình sự 24 vụ; tịch thu 573 m3 gỗ tròn (nhóm I: 118 m3); gỗ xẻ 1.033 m3 (nhóm I: 297 m3); tịch thu 156 xe các loại; thu, nộp ngân sách trên 14 tỷ đồng. |
Song song với công tác phối hợp tuyên truyền, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tích cực theo dõi diễn biến trong công tác quản lý bảo vệ rừng, chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, thành lập các đoàn công tác để tổ chức kiểm tra, ngăn chặn các vụ khai thác rừng, phá rừng trái pháp luật như ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ hương tại Công ty Lâm nghiệp Krông Pa (KBang); thu mua, khai thác, sử dụng củi rừng tự nhiên làm chất đốt sấy thuốc lá tại Krông Pa, Ia Pa, Ayun Pa, hay tình trạng buôn gỗ lậu qua biên giới tại các huyện Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ…
Nói về hoạt động quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn trong 9 tháng qua, Ông Nguyễn Nhĩ-Chi Cục trưởng, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng: Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép có giảm 120 vụ so với thời điểm năm 2013, nhưng số vụ vi phạm trên địa bàn toàn tỉnh vẫn ở mức cao, dù ngành chức năng thường xuyên tăng cường các đội kiểm lâm cơ động, đoàn liên ngành phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm tại các địa phương để ra sức tuyên truyền, ngăn chặn. Điểm hạn chế ở đây chính là công tác tuyên truyền, vận động toàn dân chưa mang lại hiệu quả cao, một phần là do chưa có sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở cơ sở; hiệu quả trong công tác chuyên môn còn thấp, rừng vẫn bị xâm hại nhưng các vụ việc được phát hiện, xử lý chủ yếu còn ở khâu mua bán, vận chuyển, sử dụng; sự vào cuộc của các cấp chính quyền cơ sở chưa thật sự quyết tâm. Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm cũng thừa nhận rằng: “Một số vụ việc phức tạp, chưa được xử lý triệt để, vẫn còn biểu hiện ngại va chạm, xử lý thiếu kiên quyết… từ đó tạo nên tiền lệ xấu trong việc chấp hành pháp luật bảo vệ rừng; một số cán bộ, công chức trong lực lượng bảo vệ rừng còn thiếu trách nhiệm, thậm chí bao che, tiếp tay cho lâm tặc nên còn sở hở để các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm”.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất cũng như phát huy hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng, khắc phục hạn chế, yếu kém, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm huyện, thị xã, ban quản lý rừng chủ động tham mưu UBND các cấp xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai công tác QLBVR, PCCCR và quản lý, giám sát chặt chẽ việc đưa phương tiện, công cụ cơ giới vào rừng; bố trí lực lượng tăng cường về tuyến huyện, xã; tổ chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm từ cơ sở, trong đó chú trọng các địa bàn còn nhiều tài nguyên động, thực vật rừng; rà soát các cơ sở chế biến gỗ đảm bảo theo đúng quy hoạch của tỉnh và quản lý tốt nguồn gốc lâm sản tại các cơ sở theo hướng dẫn.
Nguyễn Giác