Đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh Gia Lai đã ích cực hỗ trợ nhằm thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  
Chỗ dựa của bà con dân tộc thiểu số nghèo
Khi lập gia đình, anh Đinh Văn Bói (SN 1984,  làng Ôr, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) được bố mẹ cho ra ở riêng. Không có đất sản xuất, đôi vợ chồng trẻ chỉ biết đi làm thuê kiếm sống nhưng chưa biết thoát nghèo từ đâu. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, anh Đinh Mai Lê-Tổ trưởng Tổ Vay vốn và Tiết kiệm làng Ôr, cũng là cán bộ Đoàn Thanh niên-đã thông tin, hướng dẫn, tạo điều kiện để anh Bói tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Năm 2010, sau khi được nhận 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo, vợ chồng anh Bói bàn nhau mua 2 con bò giống sinh sản. Chỉ sau một năm, 2 con bò đã sinh ra bê. Hiện nay, gia đình anh đã có 3 con bò mẹ, 3 con bò con cộng thêm dành dụm mua được 5 sào đất rẫy. Không dừng lại ở đó, anh Bói còn đi học thêm nghề thợ hồ, hiện anh là Đội trưởng đội thợ hồ chuyên xây dựng, sửa chữa nhà cửa, tạo việc làm cho nhiều lao động trong làng.
Nhờ nguồn vốn Ngân hàng CSXH, gia đình anh Bói đã thoát nghèo. Năm 2017, anh tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng chương trình vốn vay giải quyết việc làm để đầu tư vào sản xuất. Anh cho biết: “Cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi rất nhiều. Tất cả là nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên xã, đặc biệt là Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kbang đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi có nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên trong cuộc sống”.  
Ban Đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Ảnh: Sơn Ca
Ban Đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Ảnh: Sơn Ca
Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kbang triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi dành cho các đối tượng thụ hưởng. Từ đặc thù của kênh vốn tín dụng chính sách dựa trên nền tảng công khai-dân chủ-minh bạch, phương châm đồng vốn phải đến tận tay người cần vốn. Do vậy, mọi hoạt động của ngân hàng không thể tách rời sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị-xã hội, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Thông qua công tác vận động, tuyên truyền, bà con dân tộc thiểu số (DTTS) không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, không còn xem đây là một nguồn vốn cứu trợ của Nhà nước mà nhận thức đúng đắn hơn trong việc sử dụng vốn, biết tích lũy trả nợ ngân hàng. Phía ngân hàng cũng luôn tập trung nâng cao hiệu quả đồng vốn ưu đãi bằng cách cho vay đúng đối tượng.
Bà Đinh Thị Thu Hiền-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kbang-cho biết: “Gắn với đồng vốn của ngân hàng là hoạt động cho vay ủy thác qua hội, đoàn thể ở cơ sở, 100% hộ vay chấp hành tốt việc trả lãi hàng tháng, tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở mức rất thấp. Các chương trình tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, vốn tín dụng được rót vào hoạt động sản xuất phát huy vai trò điểm tựa cho bà con DTTS là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đã có nhiều mô hình xóa nghèo bền vững tạo sự lan tỏa rộng rãi, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nói chung và đời sống của một bộ phận hộ nghèo DTTS nói riêng”.
Hiện nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kbang đang triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ đạt hơn 297 tỷ đồng với 7.246 hộ dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS đạt hơn 124 tỷ đồng, với 4.335 hộ còn dư nợ, chiếm 42%/tổng dư nợ. Thông qua nguồn vốn tín dụng này, trong giai đoạn 2015-2020, đã góp phần tạo việc làm mới cho 320 lao động, giúp 3.928 hộ thoát nghèo, hỗ trợ xây dựng hơn 300 căn nhà cho hộ nghèo, xây dựng 2.900 công trình nước sạch vệ sinh môi trường.
Công cụ kinh tế hữu hiệu thực hiện mục tiêu kép
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH tỉnh đã góp phần giúp cho hơn 312 ngàn lượt hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. Trong đó, có hơn 116 ngàn hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho hơn 22 ngàn lao động (trong đó có 649 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài), giúp cho 5.056 học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 10.509 căn nhà cho hộ nghèo, xây dựng 31.446 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường... góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm của tỉnh 3-4%, riêng tỷ lệ giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS 5-6%.

Gia Lai là một tỉnh có xuất phát điểm thấp, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, coi đây là một trong số nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời, Ngân hàng CSXH tỉnh còn hướng dẫn hộ vay cách thức làm ăn, sử dụng vốn hiệu quả. Ảnh: Sơn Ca
Không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời, Ngân hàng CSXH tỉnh còn hướng dẫn hộ vay cách thức sử dụng vốn hiệu quả. Ảnh: Sơn Ca
Trong những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, tập trung huy động nguồn vốn, tranh thủ nguồn vốn trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương để mở rộng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó, đặc biệt ưu tiên nguồn vốn cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, kết hợp công tác cho vay với công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, vận động người dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
Riêng đối với các chương trình tín dụng chính sách dành riêng cho các hộ đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc tỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách tại cơ sở; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát cho vay kịp thời nhằm đảm bảo 100% các hộ nằm trong đề án, có nhu cầu đều được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng CSXH một cách nhanh nhất.
Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-cho biết: “Hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đang triển khai 15 chương trình tín dụng chính sách, thì trong đó có tới 14 chương trình tín dụng có đối tượng là hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng. Từ thực tế triển khai cho thấy, có những hộ DTTS được giải quyết cho vay từ 2 đến 3 chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ giải quyết các vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống như đầu tư sản xuất, làm nhà ở, nước sạch và công trình vệ sinh, hỗ trợ kinh phí học tập. Có thể khẳng định, tín dụng chính sách đang từng ngày góp phần thay đổi tích cực đời sống của bà con DTTS, trở thành một trong những điểm sáng của chính sách giảm nghèo”.
Với lợi thế về mạng lưới hoạt động của Ngân hàng CSXH, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp cận trực tiếp với bà con ở 100% các thôn, làng trong tỉnh, tác động toàn diện tích cực đến mọi mặt của đời sống người DTTS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Thông qua chính sách tín dụng cho hộ nghèo đã xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước với nhân dân, hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố.
Vốn vay không những giúp bà con DTTS làm quen với giao dịch tín dụng đầu tư cho sản xuất kinh doanh mà còn giúp họ chuyển biến về nhận thức, ngày càng tự tin hơn trong tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, tự lực vươn lên cải thiện và ổn định cuộc sống, góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” ở nông thôn. Minh chứng cụ thể cho điều này, từ năm 2002 đến năm 2020, trải qua 18 năm hoạt động, doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt trên 11.600 tỷ đồng, với trên 653.000 lượt hộ vay.
Đáng chú ý, trong đó doanh số cho vay hộ đồng bào DTTS đạt trên 4.787 tỷ đồng, với 312.791 lượt hộ vay. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến ngày 31-7-2020 của Chi nhánh là 4.841 tỷ đồng (tăng gấp 58 lần so với thời điểm năm 2002) với 140.594 hộ dư nợ. Trong đó, riêng dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS là 3.002 tỷ đồng (chiếm tới 62% tổng dư nợ) với 91.386 khách hàng đồng bào DTTS (chiếm tới 65% số hộ dư nợ tại Chi nhánh), bình quân dư nợ hộ đồng bào DTTS đạt hơn 32,8 triệu đồng/hộ.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.