Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH)-Chi nhánh Gia Lai được đánh giá là đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin ở khu vực Tây Nguyên cũng như cả hệ thống Ngân hàng CSXH, từ đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. 

 

Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Gia Lai tham gia Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ cho vay đối với người sử dụng lao động. Ảnh: Sơn Ca
Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh tỉnh Gia Lai tham gia Hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ cho vay đối với người sử dụng lao động. Ảnh: Sơn Ca

Từ năm 2015 đến nay, Phòng Tin học của Chi nhánh đã phối hợp với các phòng chuyên môn nghiệp vụ xây dựng 9 chương trình, phần mềm tiện ích như: chương trình thông tin báo cáo Gia Lai; website diễn đàn trao đổi nghiệp vụ; chương trình upload kết quả giao dịch và file sao lưu dữ liệu offline về máy chủ Chi nhánh; chương trình hoàn thiện chức năng chấm điểm tổ tiết kiệm và vay vốn tại điểm giao dịch xã và phòng giao dịch; chương trình quản lý nguồn vốn địa phương… Các chương trình, phần mềm tiện ích này đã được áp dụng hiệu quả. Trong đó, 6 chương trình, tiện ích của Chi nhánh đã được Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam công nhận sáng kiến vào các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019. Đồng thời, Chi nhánh là một trong 9 đơn vị xuất sắc nhất toàn hệ thống trong công tác chuyển đổi dữ liệu.

Ông Cao Quốc Toàn-cán bộ Phòng Tin học-cho biết: “Những sáng kiến được áp dụng đã mang lại hiệu quả tích cực, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của đơn vị. Ví dụ như website diễn đàn trao đổi nghiệp vụ đã hướng dẫn quy trình nghiệp vụ vận hành hệ thống Corebanking, nâng cao kỹ năng tin học cho cán bộ. Hoặc chương trình thông tin báo cáo Gia Lai đã hỗ trợ ban lãnh đạo, cán bộ khai thác số liệu nhanh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; tách bạch các nguồn vốn cho vay để theo dõi, xuất dữ liệu khách hàng có món vay đến hạn để cán bộ tín dụng có biện pháp xử lý kịp thời”.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ đã giúp cán bộ ngân hàng thực hiện công việc hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Trung Vương-Tổ trưởng Tổ Kế hoạch nghiệp vụ (Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Thiện) cho hay: “Ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc đã giúp tôi điều hành hiệu quả, thuận tiện trong tổng hợp báo cáo số liệu với lãnh đạo. Thông qua các chương trình, phần mềm tiện ích do Phòng Tin học xây dựng, tôi dễ dàng giám sát việc thực hiện các chương trình cho vay, rà soát và chủ động xử lý các tồn tại, nắm được số liệu nợ đến hạn trong năm, hộ vay có chất lượng nợ chưa tốt”. 

Tính đến cuối tháng 5-2020, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Thiện quản lý 7.739 khách hàng, 9.333 món vay với 289,7 tỷ đồng dư nợ. Với đặc thù địa bàn là có tới 55,45% hộ vay người dân tộc thiểu số, lượng khách hàng lớn với nhiều món vay nhỏ, hoạt động cho vay với nhiều chương trình chính sách tín dụng ưu đãi trong khi số lượng cán bộ ít nên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc là yêu cầu cấp thiết, quan trọng đối với đơn vị. Việc ứng dụng sáng tạo các phần mềm cải tiến vào thực hiện công việc đã mang lại hiệu quả tích cực. Ông Hà Thái Dương-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Thiện-thông tin: “Những năm qua, Phòng Giao dịch Phú Thiện luôn là đơn vị nằm trong tốp đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn nghiệp vụ. Nhờ có các phần mềm hỗ trợ, năng suất lao động của mỗi cán bộ đã tăng lên 30-50%. Qua đó, giảm bớt những khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác số liệu”. 

 Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn quản lý tốt dư nợ, món vay, nâng cao hiệu quả công việc. Ảnh: S.C
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn quản lý tốt dư nợ, món vay, nâng cao hiệu quả công việc. Ảnh: S.C





Về phía Chi nhánh tỉnh, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp thực hiện tốt công tác giám sát, vận hành hệ thống mạng hoạt động thông suốt, đảm bảo công tác truyền nhận dữ liệu, công văn điện tử phục vụ chỉ đạo điều hành; triển khai kịp thời các chương trình, phần mềm ứng dụng hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ, cập nhật đầy đủ các phiên bản nâng cấp chương trình. Hiện nay, Ngân hàng CSXH-Chi nhánh tỉnh triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng với trên 149 ngàn khách hàng, trên 170 ngàn món vay, quy mô dư nợ gần 4.700 tỷ đồng. Nếu tính bình quân, mức dư nợ của mỗi phòng giao dịch xấp xỉ 300 tỷ đồng, khối lượng giao dịch hàng ngày tại hội sở và các phòng giao dịch là rất lớn. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin đã giúp cho công tác vận hành nghiệp vụ được trôi chảy, thuận lợi, ít gặp sự cố.

Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH-Chi nhánh tỉnh-khẳng định: “Trong những năm qua, Chi nhánh có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao gắn với chất lượng tín dụng không ngừng được nâng lên. Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ và công tác hiện đại hóa tin học có những chuyển biến tích cực, góp phần phục vụ tốt nhu cầu giao dịch của khách hàng, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá rất cao”.

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

Gia Lai: Thu ngân sách bứt phá ngay từ đầu năm

(GLO)- Việc có đến 12/16 khu vực, sắc thuế đạt và vượt tiến độ đã tạo đà cho tổng thu nội địa của tỉnh Gia Lai trong quý I-2024 đạt 1.935,6 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán Bộ Tài chính giao và 33,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rủi ro lớn

Rủi ro lớn

Trong lúc giá vàng nhảy múa vì khan hiếm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng đã chớp thời cơ để tung mạnh ra thị trường nhiều sản phẩm vàng mini và đã tạo nên một cơn sốt mới.