(GLO)- Nhằm cắt đứt nguồn lây và đẩy nhanh tốc độ loại trừ bệnh phong, Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện triển khai công tác cấp phát thuốc điều trị cho đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân phong trên địa bàn toàn tỉnh. Chương trình triển khai trong tháng 3-2014 và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Chương trình được triển khai tại 14/17 huyện, thị xã, thành phố với 80/222 xã, phường, thị trấn. Tổng số đã có 1.057/1.130 người tiếp xúc với bệnh nhân phong (trong đó có 323 người chăm sóc bệnh nhân phong và 734 người nhà bệnh nhân phong) được cấp phát thuốc điều trị dự phòng. Ông Bùi Ngọc Dũng-Trưởng khoa Da liễu, Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội cho biết: Chương trình đạt kết quả cao do có sự phối hợp tốt của Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội và tuyến cơ sở. Cán bộ chuyên trách huyện, xã, y tế thôn làng, cộng tác viên hầu hết đều nhiệt tình tham gia trong công tác cấp phát thuốc và có 95,56% số người tiếp xúc với bệnh nhân phong so với dự kiến được cấp phát thuốc.
Bệnh phong có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện và điều trị sớm. Ảnh: Như Ý |
Tuy nhiên, chương trình vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như một số cán bộ trạm y tế xã, cán bộ y tế thôn làng, cộng tác viên còn thiếu nhiệt tình tham gia trong công tác thông báo lịch, địa điểm cấp phát thuốc, làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ cấp phát thuốc cho bệnh nhân (nhất là tại 2 huyện Chư Sê, Chư Pưh). Một số xã có số bệnh nhân tiếp xúc có xét nghiệm dương tính nhưng chưa uống thuốc vì các lý do phụ nữ có thai, cho con bú, chuyển đi nơi khác không rõ, nhầm tên và trẻ em; một số người nhà bệnh nhân phong tại các làng phong chưa uống thuốc vì đi nương rẫy xa không về được. Đối với các trường hợp này, Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh sẽ có kế hoạch cấp phát thuốc sau.
Việc cấp phát thuốc điều trị cho đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân phong trên địa bàn toàn tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cắt đứt nguồn lây bệnh phong trong cộng đồng, góp phần vào mục tiêu hướng tới loại trừ bệnh phong tại Gia Lai vào năm 2015. Tính đến thời điểm hiện tại, Gia Lai chỉ mới đạt 2/4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn Việt Nam là tỷ lệ lưu hành dưới 0,2/10.000 người; tỷ lệ tàn tật độ II dưới 15%. Hai tiêu chuẩn còn lại là tỷ lệ phát hiện và công tác truyền thông giáo dục y tế vẫn chưa đạt.
Do nhiều khó khăn nhất định nên việc loại trừ bệnh phong trên địa bàn tỉnh Gia Lai xin gia hạn đến năm 2015 và chỉ còn một năm bắt buộc tỉnh phải hoàn thành các tiêu chuẩn còn lại để đạt được cam kết với Chính phủ 100% các tỉnh đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong. Theo Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội thì càng về cuối công việc càng khó khăn. Duy trì các chỉ tiêu đã đạt được không phải dễ và thực hiện được các chỉ tiêu chưa đạt lại càng khó khăn gấp bội. Khó khăn nữa là năm 2014, ngân sách các chương trình mục tiêu y tế quốc gia đều bị cắt giảm, trong đó chương trình dự án phòng-chống phong giảm 65% so với năm 2013. Do vậy các hoạt động của dự án chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ nhất là trong giai đoạn nước rút như hiện nay.
Ngày 2-4-2014, Bộ Y tế đã có Công văn số 1633/BYT-KH-TC về việc đẩy mạnh các hoạt động phòng-chống phong, phấn đấu đạt 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp tỉnh của Việt Nam vào năm 2015; trong công văn, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai xem xét hỗ trợ về nhân lực, kinh phí hoạt động cho chương trình chống phong của tỉnh trong năm 2014 và 2015 nhằm duy trì kết quả đã đạt được và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng nhanh tốc độ loại trừ bệnh phong tiến tới hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong năm 2015.
Để có thể tiến hành kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong trên phạm vi toàn tỉnh vào năm 2015, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Gia Lai hoàn thiện và kiện toàn ban chăm sóc sức khỏe nhân dân từ tỉnh đến xã; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục y tế về bệnh phong trong cộng đồng bằng nhiều hình thức như giảng dạy về bệnh phong trong học đường; cung cấp các kiến thức về bệnh phong; tăng cường khám phát hiện bệnh nhân phong mới đặc biệt ở những nơi 3 năm liền phát hiện bệnh nhân phong mới, bệnh nhân thể nhiều vi khuẩn, tăng cường công tác phòng- chống tàn tật và phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong; duy trì và củng cố mạng lưới chuyên khoa da liễu từ tỉnh xuống huyện, xã…
Như Ý