Đak Đoa: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ được biết đến với vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, Đak Đoa còn là vùng đất mang nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Hiện tại, huyện đang kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch nhằm phát triển “ngành công nghiệp không khói”.
Cảnh sắc thanh bình
Huyện Đak Đoa có diện tích trải rộng, địa hình khá đa dạng từ núi, hồ, sông, suối, thác ghềnh đến các thảo nguyên rộng lớn với nhiều thắng cảnh hấp dẫn du khách.
Cách trung tâm TP. Pleiku chỉ chừng 20 km, đồi cỏ hồng nằm dưới tán rừng thông Glar xanh mát là điểm đến níu chân hàng ngàn du khách mỗi độ tiết trời Gia Lai trở lạnh. Cách đó không xa, những thửa ruộng bậc thang rộng khoảng 70 ha của làng Grek và Sơl Trang (xã Hnol), làng Ghè, Phạm Ghè và Kol (xã Trang) cũng là lời mời gọi hấp dẫn. Đi thêm chừng 20 km nữa, du khách sẽ đến hồ Ia Băng. Hồ có diện tích mặt nước khoảng 40 ha, ven hồ là những vườn cà phê, hồ tiêu xanh tốt. Cảnh quan ở đây tuyệt đẹp và rất thích hợp để du ngoạn, ngắm cảnh, câu cá, thưởng thức ẩm thực địa phương.
Khung cảnh yên bình ở xã Hà Đông. Ảnh: P.L
Khung cảnh yên bình ở xã Hà Đông. Ảnh: P.L
Với những du khách thích trải nghiệm, tận hưởng thiên nhiên thì xã Hà Đông là một lựa chọn thú vị. Con đường bê tông trải dài không còn khiến Hà Đông xa vắng, heo hút. Không khí trong lành, mát dịu cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp với những thác ghềnh như: Pơ Nơu, Yă Bya, Kon Sơ Nglok có sức quyến rũ mãnh liệt. Không chỉ vậy, Hà Đông còn hấp dẫn bởi những ngôi làng Bahnar với kiến trúc nhà sàn, vách đất nguyên bản nép mình dưới tán me già cỗi, chiếc cầu treo bắc ngang suối Đak Pơkei trong vắt trên đường lên rẫy hay những nhà thờ mang kiến trúc nhà rông độc đáo. Ông Lương Minh Thiện-Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông-cho hay: “Hà Đông sở hữu nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hữu tình. Bà con nơi đây cũng còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán độc đáo, con người hiền hòa, chân chất, hiếu khách. Do vậy, Hà Đông rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng”. Ngoài ra, trên trục đường dẫn đến xã Hà Đông, du khách còn có thể ghé qua tham quan hồ Đak Krong hay thưởng thức hoa muồng vàng khoe sắc rực rỡ trên rẫy cà phê (xã Đak Krong) mỗi khi hè về. 
Một nhà thờ có kiến trúc độc đáo ở xã Hà Đông. Ảnh: Phương Linh
Một nhà thờ có kiến trúc độc đáo ở xã Hà Đông. Ảnh: P.L
Không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp, Đak Đoa còn có nhiều di tích lịch sử giá trị. Đáng kể nhất là Khu lưu niệm Anh hùng Wừu (xã Đak Sơ Mei). Trong thời gian đến, đây sẽ là nơi trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tư liệu liên quan đến người anh hùng Bahnar cũng như truyền thống lịch sử phát triển huyện nhà. Cách đó chừng 2 km, nằm trên tuyến quốc lộ 19D có cây đa cổ thụ từng là nơi che chở bộ đội trong kháng chiến. Đak Đoa cũng nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm ở xã Glar, nghề làm cối, đan lát ở xã Ia Pết. Nơi đây quy tụ số lượng nghệ nhân có tay nghề cao, làm ra sản phẩm tinh xảo và có đầu ra ổn định, là địa chỉ tham quan thú vị dành cho du khách yêu thích văn hóa bản địa.  
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng du lịch
Với những tiềm năng hiện có, Đak Đoa là địa phương có nhiều cơ hội để phát triển du lịch. Thế nhưng, trên thực tế, du lịch Đak Đoa vẫn còn manh mún, chưa phát huy được lợi thế vốn có. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu, chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản. Trao đổi với P.V, bà Kiều Thu Hương-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Đoa-cho hay: “Để đánh thức tiềm năng sẵn có, huyện Đak Đoa chủ trương đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển du lịch; cải thiện chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch và dịch vụ; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ phát triển du lịch”.
Hồ Đak Krong có mặt nước trong xanh, phẳng lặng là điểm đến mới của huyện Đak Đoa hấp dẫn du khách. Ảnh: P.L
Hồ Đak Krong có mặt nước trong xanh, phẳng lặng là điểm đến mới của huyện Đak Đoa hấp dẫn du khách. Ảnh: P.L
Để làm được điều đó, ưu tiên chính hiện nay là nhanh chóng đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch. Hiện tại, hầu hết đường dẫn đến các địa điểm du lịch tiềm năng trong huyện đã được đầu tư làm mới, sửa chữa, tạo sự thuận lợi cho việc di chuyển. Các thắng cảnh, điểm tham quan cũng được đầu tư bổ sung, nâng cấp, sửa sang, làm mới. Cùng với đó, dự án Sân golf Đak Đoa và Khu du lịch sinh thái hồ Ia Băng cũng đang được triển khai. Thời gian qua, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được huyện Đak Đoa duy trì tổ chức thường xuyên, tạo dấu ấn với du khách như: Dạ hội cồng chiêng mừng Đảng mừng xuân, Ngày hội cỏ hồng Đak Đoa, Phiên chợ nông sản an toàn huyện Đak Đoa hàng tháng, Giải Bóng đá Cúp mùa xuân…
Tới đây, cùng với việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thu hút đầu tư du lịch, huyện Đak Đoa cũng sẽ tập trung phát triển, quảng bá các sản phẩm du lịch, đặc sản địa phương nhằm thu hút du khách, đồng thời tạo sinh kế cho người dân để từ đó đồng lòng cùng địa phương chung tay phát triển du lịch”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Đoa cho biết thêm.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.