Đại úy Công an tình nguyện gắn bó với buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau một thời gian được Bộ Công an điều động tăng cường về xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), Đại úy Nguyễn Quốc Mạnh (SN 1991) đã viết đơn tình nguyện ở lại công tác lâu dài tại xã biên giới này.

Mong muốn của anh là được góp phần công sức nhỏ bé để bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Tiếp chuyện chúng tôi, Đại úy Mạnh kể: Quê anh ở tỉnh Nghệ An. Năm 2010, học xong THPT, anh tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân tại Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nguyên. Đến năm 2012, anh được cử đi học tại Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang rồi tiếp tục theo học tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Tháng 10-2021, sau chừng 1 năm trở lại công tác tại Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nguyên, anh được Bộ Công an điều động về tăng cường tại Công an xã Ia Mơr. “Khi nhận nhiệm vụ mới, tôi rất háo hức.

Đại úy Nguyễn Quốc Mạnh gọi hỏi, răn đe các thanh niên càn quấy ở xã Ia Mơr. Ảnh: T.D

Đại úy Nguyễn Quốc Mạnh gọi hỏi, răn đe các thanh niên càn quấy ở xã Ia Mơr. Ảnh: T.D

Tuy nhiên, giai đoạn đầu, tôi cũng gặp không ít bỡ ngỡ bởi công tác chuyên môn ở 2 cơ quan hoàn toàn khác biệt. Ở Trung đoàn chủ yếu là huấn luyện, chiến đấu nhưng ở xã thì đủ thứ việc, từ đảm bảo an ninh nông thôn đến ngăn ngừa tai nạn giao thông, phá rừng làm rẫy, vượt biên, buôn lậu… Dù vậy, bằng kiến thức được học trên giảng đường và sự giúp đỡ tận tình của anh em trong đơn vị, tôi dần thích ứng với công việc”-anh Mạnh nhớ lại.

Trong 2 năm công tác tại Công an xã Ia Mơr với vai trò cán bộ tăng cường, Đại úy Mạnh không quản ngại khó khăn, bám địa bàn nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Anh cho biết: “Địa bàn này phức tạp nhất là tình trạng khai thác rừng trái phép. Ngoài chuyện phá rừng làm rẫy thì còn có các đối tượng lâm tặc từ nơi khác đến ở lại rồi lén lút cưa hạ cây rừng, vận chuyển gỗ ra bên ngoài để bán. Trong số đó có những đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc có tiền sử sử dụng trái phép chất ma túy. Chưa kể các đối tượng buôn người lợi dụng người dân ở khu vực biên giới thiếu hiểu biết để lừa đảo vượt biên với chiêu trò “việc nhẹ lương cao”.

Tình trạng người dân sử dụng vũ khí trái phép cũng còn nhiều. Vậy nên, chúng tôi phải thường xuyên tuần tra trên các tuyến giao thông trong xã, túc trực ở các chốt để ngăn ngừa tội phạm. Cùng với đó, chúng tôi sắp xếp công việc tại đơn vị cho khoa học để xuống làng nắm bắt tình hình và thực hiện công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân”.

Năm 2022, Đại úy Mạnh được Giám đốc Công an tỉnh tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”. Mới đây, anh được Chủ tịch UBND xã Ia Mơr tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện cao điểm 50 ngày đêm tuyên truyền cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn xã. Ngoài sự công nhận của các cấp chính quyền thì anh còn nhận được niềm tin yêu, quý mến của người dân.

Bà Kpă Xuân (làng Krông) chia sẻ: “Địa bàn này còn nhiều khó khăn, phức tạp về an ninh trật tự. Những biện pháp nghiệp vụ do các đồng chí Công an xã và cá nhân cháu Mạnh triển khai trong thời gian qua đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật của bà con trong làng. Già mong muốn cháu Mạnh tiếp tục gắn bó lâu dài với địa phương để góp sức giữ cho thôn làng được bình yên, hạn chế đến thấp nhất các vụ vi phạm pháp luật”.

Đại úy Mạnh cùng các lực lượng tham gia tuần tra ở khu vực biên giới. Ảnh: Thiên Di

Đại úy Mạnh cùng các lực lượng tham gia tuần tra ở khu vực biên giới. Ảnh: Thiên Di

Sự tin yêu của người dân xã vùng biên giới là động lực để chàng trai quê xứ Nghệ viết đơn tình nguyện ở lại công tác sau thời gian tăng cường theo đề án của Bộ Công an. “Hết thời hạn tăng cường theo quy định, tôi sẽ được điều chuyển trở lại đơn vị cũ công tác. Mặt khác, nếu trở về đơn vị cũ, cơ hội được điều chuyển về quê hương cũng rộng mở hơn. Có điều, vì yêu mến mảnh đất, tình người nơi đây, tôi xin ở lại phục vụ lâu dài. Hiện nguyện vọng đó đã được cấp trên phê duyệt, tôi rất vui và yên tâm công tác. Tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để góp sức xây dựng địa phương phát triển, giữ vững an ninh trật tự”-anh Mạnh tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Siu Y Long-Phó Trưởng Công an huyện Chư Prông-cho biết: Trong thời gian qua, đồng chí Nguyễn Quốc Mạnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, có tính gương mẫu cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, bám sát địa bàn công tác, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã biên giới Ia Mơr. Đồng chí Mạnh cũng được Công an tỉnh và các cấp chính quyền nhiều lần khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

(GLO)- Năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong mọi công việc và luôn gương mẫu trong các phong trào, hoạt động là nhận xét của đồng chí, đồng đội dành cho Thượng tá Trần Thế Tùng-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku. Anh cũng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...
Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Sau 6 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Phạm Diệu Linh (30 tuổi) đã quyết định về miền quê tại tỉnh Sơn La làm vườn và lập nghiệp. Tại đây, chị thuê một mảnh vườn gần 1.000 m2, sau đó tự thiết kế, trồng trọt, biến nơi đây đẹp tựa các phim về đồng quê ở châu Âu để sống chậm với thiên nhiên.