(GLO)- Thời gian qua, Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai đã không ngừng nỗ lực kiểm tra, kiểm soát góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm
Theo thống kê của Cục QLTT tỉnh, tính đến cuối tháng 11-2019, Cục đã kiểm tra 2.189 vụ, trong đó phát hiện 1.463 vụ vi phạm và đã xử lý 1.438 vụ, tập trung vào một số lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm như: hàng cấm và hàng nhập lậu; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm; phân bón; xăng dầu. Bên cạnh đó, Cục QLTT tỉnh cũng triển khai một số kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với một số mặt hàng, lĩnh vực; kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Trung thu; kiểm tra kinh doanh dịch vụ karaoke... Ông Lê Hồng Hà-quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh-cho biết, Gia Lai tuy không phải là địa bàn tập trung các đầu mối lớn về sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu song với điều kiện giao thông thuận lợi nên các đối tượng đã lợi dụng để vận chuyển một số mặt hàng nhập lậu như: thuốc lá điếu, nước giải khát, mỹ phẩm... vào địa bàn tiêu thụ hoặc vận chuyển đi các tỉnh khác.
|
Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra và thu giữ một số lượng lớn giấy vệ sinh giả nhãn hiệu |
Hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp diễn phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, đặc biệt có nhiều loại hàng hóa gây hại đến sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng như: may mặc, bột ngọt, sách, giấy vệ sinh... Qua thời gian trinh sát, nắm tình hình, ngày 7-11-2019, Đội QLTT số 1 đã kiểm tra đột xuất kho chứa hàng của ông Nguyễn Văn Chiến (289 Lê Đại Hành, phường Đống Đa, TP. Pleiku). Tại thời điểm kiểm tra, Đội đã phát hiện kho của gia đình ông Chiến chứa số lượng lớn giấy vệ sinh có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể “SilkyLive”, “Ao ước bạn hài lòng” thuộc sở hữu của Công ty TNHH một thành viên Orchid Phú Quý. Cục đã đề xuất UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 119 triệu đồng, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm của 8.358 lốc giấy vệ sinh mang nhãn hiệu “SkillkyLavie”; tịch thu, buộc tiêu hủy 3.360 lốc giấy vệ sinh mang nhãn hiệu “Silky Live”; đồng thời đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm 2 tháng theo quy định...
Tăng cường kiểm soát cuối năm
Tính đến cuối tháng 11-2019, Cục QLTT tỉnh đã thu giữ và xử lý 16.712 bao thuốc lá điếu nhập lậu; 7,4 tấn phân bón; 3.540 lon và 11.640 chai nước yến; 691 sản phẩm đồ chơi trẻ em; 3.225 sản phẩm, 500 tuýp, 106 chai mỹ phẩm các loại; 1.100 đôi giày dép; 2.241,3 kg thực phẩm tươi sống các loại; 3.577 bản sách và nhiều hàng hóa có giá trị khác. |
Nhận định về thị trường dịp cuối năm, ông Lê Hồng Hà cho rằng, tình hình buôn bán hàng cấm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục gia tăng đối với các mặt hàng gồm: thuốc lá ngoại nhập lậu, xăng dầu, thực phẩm, nước giải khát, hàng điện tử, đồ gia dụng... Do đó, Cục đã triển khai kế hoạch cao điểm nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật. Theo đó, các Đội QLTT cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với địa bàn, tuyến trọng điểm và các mặt hàng trọng điểm, thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm, đặc biệt phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh... Cùng với đó, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất, buôn bán hàng giả... đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Hồng Hà cho hay, năm 2020, tình hình thị trường có nhiều biến động, các hành vi vi phạm dự báo ngày càng phức tạp, khó lường. Vì vậy bên cạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát, các Đội QLTT cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định pháp luật. “Hoạt động kiểm tra phải trọng tâm, trọng điểm, không trùng lắp, tuân thủ đúng quy trình nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường. Từng cuộc kiểm tra phải thực hiện nhanh, gọn, có kết luận cụ thể, chính xác, không làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đối tượng được kiểm tra và đúng quy định của pháp luật”-ông Hà nhấn mạnh.
P.V