Điện gió thúc đẩy kinh tế-xã hội Chư Pưh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù chưa đưa vào vận hành nhưng các dự án điện gió đang làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn Chư Pưh. Hơn 40 km đường giao thông được các nhà máy đầu tư thảm nhựa sẽ là động lực để huyện thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, mở rộng khu dân cư, thu hút nguồn lực đầu tư.

Huyện Chư Pưh có quốc lộ 14 chạy qua nên rất thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, với hơn 68.107 ha đất nông nghiệp, Chư Pưh có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió. Theo khảo sát, ở độ cao 80-120 m, tốc độ gió trung bình trên địa bàn huyện khoảng 6-6,5 m/s, lượng gió mạnh và không chênh lệch nhiều qua các tháng, rất phù hợp phát triển điện gió. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện hiện có 2 đường dây 500 kV mạch 1 và mạch 2 đi qua, 1 đường dây 220 kV và 1 trạm biến áp 110 kV tại thị trấn Nhơn Hòa, tạo nhiều thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào phát triển các dự án điện gió quy mô lớn.

  Các tuyến đường được chủ đầu tư xây dựng góp phần hình thành liên kết vùng, mở rộng khu dân cư mới. Ảnh: Quang Tấn
Các tuyến đường được chủ đầu tư xây dựng góp phần hình thành liên kết vùng, mở rộng khu dân cư mới. Ảnh: Quang Tấn


Từ năm 2019 đến nay, huyện Chư Pưh có 13 dự án điện gió đã được khảo sát. Hiện đã có 2 dự án với 3 nhà máy đang đầu tư xây dựng với tổng công suất 150 MW gồm Nhà máy Điện gió Nhơn Hòa 1 và Nhơn Hòa 2 triển khai tại các xã Chư Don, Ia Phang, Ia Blứ; Nhà máy Điện gió Ia Le 1 tại xã Ia Le và Ia Phang. Tổng vốn đầu tư của 2 dự án là hơn 5.400 tỷ đồng. Dự kiến cuối tháng 10-2021, các nhà máy sẽ tiến hành đóng điện, chính thức đưa vào vận hành. 11 dự án còn lại đang trình bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.670 MW.

Tuy chưa đưa vào vận hành nhưng các dự án đã góp phần làm “thay da đổi thịt” vùng nông thôn, nhất là các xã Ia Phang, Chư Don, Ia Blứ, Ia Le. Đặc biệt, để phục vụ cho việc vận chuyển thiết bị cũng như quản lý, vận hành 3 nhà máy, các doanh nghiệp đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng để thảm nhựa khoảng 44 km đường giao thông rộng 8-12 m nối liền với quốc lộ 14 và các khu sản xuất của người dân. Đây có thể xem như là đòn bẩy để các xã còn nhiều khó khăn như: Chư Don, Ia Blứ, Ia Le có điều kiện phát triển hệ thống giao thông.

Theo ông Trương Viết Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Le, ngay sau khi được cấp chủ trương đầu tư, UBND xã đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ đầu tư đẩy mạnh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện để Dự án triển khai thuận lợi. Dù chưa đi vào vận hành nhưng lợi ích từ dự án này có thể thấy rõ, đó là hệ thống đường giao thông được đầu tư kiên cố với tổng chiều dài khoảng 27 km nền đường rộng hơn 8 m. Bên cạnh đó, Dự án triển khai cũng đã tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương trong giai đoạn xây dựng cũng như khi đưa vào vận hành.

Còn ông Đặng Lê Minh-Bí thư Đảng ủy xã Chư Don thì cho biết: Dự án chỉ mới triển khai khoảng 6 tháng nhưng bước đầu đã đem lại hiệu ứng tích cực khi bộ mặt nông thôn của xã thay đổi nhanh chóng. Trước mắt, Dự án không ảnh hưởng lớn đến diện tích sản xuất của người dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển nông sản khi đường giao thông được đầu tư mở rộng kết nối với quốc lộ 14 và các xã trong vùng. Bên cạnh tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, nhất là đánh thức tiềm năng du lịch của địa phương với những danh lam, thắng cảnh đẹp như: thác Chuồng bò, thác Ia Nhí, núi Chư Don, hồ thủy lợi Plei Thơ Ga…

7-2 Các nhà máy dự kiến đóng điện vào cuối tháng 10-2021, sẽ góp phần tăng thu ngân sách địa phương
Các nhà máy dự kiến đóng điện vào cuối tháng 10-2021, sẽ góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Ảnh: Quang Tấn


Trao đổi với P.V, ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho hay: Các nhà máy sau khi hòa vào lưới điện quốc gia sẽ đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, giúp địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Dự kiến, 3 nhà máy khi đi vào vận hành mỗi năm đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 60 tỷ đồng. Đồng thời, người dân cũng hưởng lợi rất lớn từ các tuyến đường giao thông được đầu tư để phục vụ xây dựng và vận hành các dự án điện gió. Đó là việc đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn, hiệu quả sản xuất được nâng lên; hình thành vùng liên kết phát triển giữa các xã Ia Blứ, Ia Phang, Chư Don, giữa xã Ia Le và Ia Phang; đảm bảo không gian phát triển các khu dân cư mới.

“Đây cũng là cơ hội để huyện thu hút các nhà đầu tư mới vào xây dựng nhà máy sản xuất phân bón, chế biến nông sản, phát triển du lịch... Ngoài ra, các dự án cũng góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động tại chỗ trong giai đoạn xây dựng và khoảng 50 lao động khi đi vào vận hành”-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh thông tin.

 

QUANG TẤN
 

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.