Lực lượng Quản lý Thị trường ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua có những diễn biến phức tạp, nhất là với các mặt hàng như: thuốc lá, xăng dầu, phân bón, thực phẩm… Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng.  



Theo báo cáo của Cục QLTT tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị đã phát hiện và xử lý 365 vụ vi phạm, giảm 266 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân số vụ vi phạm giảm là do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên lực lượng QLTT đã tạm dừng kiểm tra đối với nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Các đợt kiểm tra tập trung vào một số lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm như: thuốc lá điếu nhập lậu, thực phẩm, phân bón, xăng dầu, mỹ phẩm, dược phẩm... Qua thực tế kiểm tra cho thấy, các hành vi vi phạm vẫn diễn ra phổ biến với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, vi phạm về giá, vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm... Lực lượng QLTT đã tịch thu hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 683 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính, phạt truy thu, bán hàng hóa tịch thu với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Chỉ riêng mặt hàng thuốc lá, lực lượng QLTT đã xử lý 32 vụ vi phạm, tịch thu 3.279 bao thuốc lá, phạt tiền hơn 246 triệu đồng.

 Cục QLTT tỉnh đã xử phạt 20 triệu đồng đối với một cơ sở bán giấy vệ sinh vi phạm các quy định của pháp luật. Ảnh: V.T
Cục QLTT tỉnh đã xử phạt 20 triệu đồng đối với một cơ sở bán giấy vệ sinh vi phạm các quy định của pháp luật. Ảnh: V.T



Ông Nguyễn Đức Tuấn-Đội trưởng Đội QLTT số 1-cho biết: “Đơn vị đã chú trọng xây dựng mạng lưới thông tin cơ sở để chủ động tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu. Tuy nhiên, tình hình buôn bán mặt hàng thuốc lá nhập lậu ở TP. Pleiku vẫn diễn ra với nhiều hình thức tinh vi. Các đối tượng thường chia nhỏ lượng hàng hóa và cất giấu tại những điểm kinh doanh nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa nên khi lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện số lượng không nhiều”.

Vi phạm trong kinh doanh xăng dầu cũng là vấn đề nổi cộm trong thời gian qua. Lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 6 vụ với số tiền phạt và truy thu hơn 262 triệu đồng; đồng thời tước quyền sử dụng 4 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trong 1 tháng đối với 4 cửa hàng; tước quyền sử dụng 2 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trong 2 tháng đối với 2 cửa hàng. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT cũng chú trọng kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, phân bón, dược phẩm, mỹ phẩm; tăng cường đấu tranh phòng-chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử.

Theo đánh giá của ông Lê Hồng Hà-Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chấp hành chưa tốt các quy định của pháp luật về niêm yết giá, đăng ký kinh doanh và ghi nhãn hàng hóa. Do đó, đơn vị tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là đối với những mặt hàng trọng điểm như: thuốc lá, xăng dầu, phân bón, thực phẩm… Bên cạnh đó, tiến hành rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát đã góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ông Hà, công tác QLTT hiện cũng đối diện không ít khó khăn. Cụ thể, các cơ sở kinh doanh ở tuyến huyện thường nhỏ lẻ, phân tán, dẫn đến việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa hiệu quả. Mặt khác, kinh phí dành cho lực lượng QLTT còn hạn hẹp, phương tiện, thiết bị, dụng cụ còn thiếu nên khó khăn trong triển khai quản lý địa bàn và thực hiện kiểm tra, kiểm soát.

Trong 6 tháng cuối năm, dự báo tình hình thị trường sẽ bị tác động do giá xăng dầu có chiều hướng tăng giảm thất thường, tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường; các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh hàng hóa có thể gia tăng. Do đó, lực lượng QLTT tiếp tục tăng cường công tác trinh sát, kiểm tra, kiểm soát đột xuất đối với các mặt hàng như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc lá điếu nhập lậu, phân bón… Đồng thời, tiếp tục tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành tại các huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

 

 VŨ THẢO



 

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.