Nóng: Mỹ khởi xướng điều tra lốp xe ô tô của Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, mới đây, sau khi nhận được đơn kiện, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với một số sản phẩm lốp xe ô tô của Việt Nam.
Cụ thể, vào ngày 23/6/2020, DOC đã chính thức khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với một số sản phẩm lốp xe ô tô có xuất xứ từ Việt Nam. Theo số liệu của hải quan Hoa Kỳ, trong năm 2019, Việt Nam xuất khẩu khoảng 525 triệu đô-la Mỹ sản phẩm nói trên sang thị trường Hoa Kỳ.
Trước đó, từ ngày 13/5/2020, Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu khởi kiện điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp sản phẩm nói trên. Tuy nhiên, đến nay, DOC mới khởi xướng điều tra vụ việc chống trợ cấp.
Nói về vấn đề trên, đại diện Bộ Công Thương cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin về đơn kiện, cơ quan này đã triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như họp, trao đổi, tư vấn phương hướng xử lý vụ việc với Hiệp hội cao su Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, tham vấn chính thức với phía Mỹ về các nội dung trong cáo buộc của nguyên đơn Mỹ.
Một số sản phẩm lốp xe ô tô có xuất xứ từ Việt Nam bị Mỹ điều tra chống trợ cấp.
"Sản phẩm này đã được Bộ Công Thương cảnh báo nguy cơ bị nước ngoài điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ tháng 7/2019 với mức độ cao. Do đó, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp, làm việc với các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhằm chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó trong trường hợp bị điều tra", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Theo nhận định của giới chuyên môn, trong các chương trình bị cáo buộc trợ cấp, đáng lưu ý, lần đầu tiên kể từ khi pháp luật chống trợ cấp sửa đổi của Mỹ được ban hành và có hiệu lực vào tháng 4/2020, nội dung "định giá thấp tiền tệ" được DOC điều tra.
"Đây là chương trình bị điều tra dựa trên cáo buộc của nguyên đơn Hoa Kỳ cho rằng chính sách "định giá thấp tiền tệ" đã mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
Để ứng phó hiệu quả với vụ việc, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu có liên quan của Việt Nam chủ động tham gia hợp tác đầy đủ và toàn diện với DOC. Cung cấp thông tin, bản trả lời đúng yêu cầu và thời hạn, hợp tác trong quá trình thẩm tra tại chỗ cũng như các vấn đề khác trong toàn bộ quá trình điều tra của Hoa Kỳ", đại diện Bộ Công Thương khuyến nghị.
Được biết, dự kiến, vụ việc sẽ được tiến hành điều tra trong vòng 12 tháng và có thể gia hạn thêm 6 tháng. Trong quá trình điều tra, DOC có thể ban hành kết luận sơ bộ và áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời.
"Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan của Việt Nam để cung cấp các thông tin cần thiết cho phía Hoa Kỳ về các nội dung trợ cấp bao gồm cả vấn đề "định giá thấp tiền tệ" để Bộ Thương mại Hoa Kỳ có đầy đủ căn cứ, dữ liệu trước khi ban hành kết luận điều tra vụ việc.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình điều tra vụ việc và có phương án hỗ trợ, xử lý kịp thời nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam", đại diện Bộ Công Thương khẳng định.
Thanh Phong (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.