Khâu trung gian khiến giá thịt lợn tới người tiêu dùng vẫn rất cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường hiện vẫn rất cao. Ảnh: Kh.V
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đã đưa giá lợn hơi xuống mức 75.000 đồng/kg, nhưng giá thịt lợn bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn cao hơn từ 40.000-70.000 đồng/kg so với mức giá “chuẩn”.
Phải giảm bớt lãi của khâu trung gian
Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Trần Thị Thắm - kinh doanh thịt lợn tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) - chia sẻ: Giá lợn hơi mà Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P (doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô lớn nhất Việt Nam) bán ra mức 75.000 đồng/kg, nhưng qua nhiều khâu lưu thông, khi bán tại chợ đầu mối đã tăng thêm hàng chục giá.
“Với giá 75.000 đồng/kg, giá thịt lợn bán ra ở mức 100.000 đồng/kg là người kinh doanh đã có lãi. Thế nhưng, giá thịt lợn mảnh (thịt lợn móc hàm, đã bỏ lông, huyết, lòng-PV) vẫn được bán với giá 115.000 đồng/kg. Khâu bán lẻ chúng tôi lấy hàng giá cao như vậy, phải bán giá 140.000-160.000 đồng/kg mới có thể bù đắp mọi chi phí” - bà Trần Thị Thắm nói.
Cùng chung ý kiến, bà Nguyễn Thu Hà (chợ Nghĩa Tân, Hà Nội) cho biết thêm: Không chỉ tại chợ đầu mối Đông Anh, mà tại các lò mổ nhỏ lẻ, giá thịt lợn móc hàm cũng được bán với giá 115.000 đồng/kg, thậm chí lợn loại 1 còn được bán với giá cao hơn. “Cách đây 3 tuần, các doanh nghiệp chăn nuôi báo cáo Chính phủ giảm giá lợn hơi xuống mức 75.000 đồng/kg, nhưng người kinh doanh chúng tôi chưa bao giờ lấy được thịt lợn mảnh với giá rẻ” - bà Hà khẳng định.
Hướng dẫn của một thành viên thuộc Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, thông thường giá thịt lợn được bán với công thức: Giá lợn hơi cộng thêm 15 giá. Như vậy, nếu lợn hơi có giá 75.000 đồng, thì giá thịt lợn bán ra có giá 90.000-100.000 đồng là hợp lý. Thế nhưng, giá thịt lợn bán cho người buôn ở khâu cuối bao giờ cũng cao hơn tới 10-15 giá so với mức chuẩn. “Điều này khiến giá thịt lợn bán đến tay người mua cao hơn giá tính thịt lợn công thức đến 40.000-60.000 đồng/kg”- nhân vật này cho biết.
Lý giải về mức chênh lệch giá từ trại nuôi ra thị trường, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho rằng, để đưa lợn hơi từ cổng trại ra tới thị trường phải chi phí rất nhiều khoản. Đơn cử, chi phí vận chuyển trung bình 1.500 đồng/kg tùy vào khoảng cách, rồi chi phí bốc lợn lên xe 1.000 đồng/kg, chi phí hao hụt trung bình 4.000 đồng/kg... “Như vậy, tổng chi phí bình quân từ trại xuất chuồng ra đến thị trường mất từ 5.000-10.000 đồng” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Ở góc độ người chăn nuôi, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - khẳng định: Vì có quá nhiều khâu trung gian, mỗi nơi “ăn” 1 ít, nên cần cắt giảm bớt khâu trung gian, như cắt bớt xúc tu của các “bạch tuộc”.
“Thực trạng giá thịt lợn bán trên thị trường cao hơn so với giá lợn hơi bán ra cho thấy, khâu trung gian hiện nay vẫn đang chiếm tỉ lệ lợi nhuận quá cao và cần phải có cơ chế để quản lý, hạn chế bớt khâu trung gian. Bởi khâu trung gian không chỉ khiến giá bán lợn hơi từ trang trại tới tay người tiêu dùng chênh lệch, mà còn khiến Nhà nước thất thoát nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp” - ông Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Kiên quyết đưa giá thịt lợn xuống 70.000 đồng/kg
Tại cuộc làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, sau khi nghe báo cáo, phân tích về tình hình chăn nuôi lợn, đại diện 15/15 doanh nghiệp tham dự lớn cam kết giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ hôm nay (1.4.2020) và lộ trình đến cuối quý II và quý III năm nay  sẽ xuống mức 65.000 đồng/kg đến 60.000 đồng/kg.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành Nông nghiệp trước hết cần tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu thị trường cả trong nước và khu vực. Bộ NNPTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi nói chung; trong đó có chăn nuôi lợn; tăng mạnh đàn lợn thời gian tới nhưng không để mất cân đối cung cầu trong trung và dài hạn. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp, địa phương, người dân có kế hoạch phát triển của mình.
Tuy nhiên, ở góc độ quản lý của mình, Bộ NNPTNT cũng đề nghị Chính phủ xem xét, sớm đưa mặt hàng thịt lợn vào diện hàng bình ổn giá để có cơ chế điều chỉnh giá, dự trữ quốc gia. Theo Bộ NNPTNT, vì không thuộc mặt hàng bình ổn giá, lại nằm trong cơ cấu bữa ăn của gia đình Việt Nam đến 70%, nên mặt hàng thịt lợn thường xuyên có biến động lớn, lúc giá hạ phải “giải cứu”, lúc lại cần phải kêu gọi hạ giá và thịt lợn còn là mặt hàng bị chịu sự “chi phối” của các thương lái nhiều nhất.

Bộ NNPTNT cam kết tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá lợn thịt, lợn giống hiện nay trên thị trường. “Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước. (Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường)

Phong Nguyễn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.