Nguy cơ lũng đoạn thị trường thịt heo từ các công ty chăn nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Giá heo của Công ty chăn nuôi C.P tại Cần Thơ luôn tăng trước và tăng cao hơn giá heo ngoài thị trường. Nếu không ngừng tăng giá, thị trường sẽ còn bất ổn" - ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ cho biết.
Tại Hội nghị sơ kết công tác phối hợp thực hiện chương trình bình ổn thị trường giữa TP.HCM và các tỉnh thành Tây Nam Bộ ngày 30/12 tại TP.HCM, giá thịt heo là chủ đề nóng được quan tâm khi Tết nguyên đán đang cận kề.
Ông Nguyễn Minh Toại – Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, nếu các công ty chăn nuôi còn tiếp tục tăng giá sẽ khiến thị trường rối loạn và gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi.
Một trại chăn nuôi heo gia công cho công ty chăn nuôi C.P
Theo ông Toại, thời gian qua, trên địa bàn Cần Thơ, cung cầu chưa thật sự quá căng thẳng. Tuy nhiên, Công  ty chăn nuôi C.P vẫn đang nắm một lượng heo lớn. Đơn vị này chỉ đạo cho tăng giá bán 1.000 đồng/kg heo hơi.
Cách đây 1 ngày, giá heo của nông dân ở Cần Thơ chỉ khoảng 80.000 đồng/kg thì giá heo C.P là  90.000 đồng/kg; chênh nhau 10.000 đồng/kg. "Giá bán heo của C.P luôn tăng trước, tăng cao hơn giá của người dân và C.P vẫn là đơn vị quyết định giá thị trường” - ông Toại quả quyết.
Theo phân tích của ông Toại, hiện Chính phủ đã cho phép nhập khoảng 100.000 tấn thịt để góp phần bình ổn thị trường đang thiếu hụt trong nước. Nếu các doanh nghiệp còn tăng giá, tạo ra thông tin thiếu thịt không đúng thực tế thì lượng nhập càng nhiều, gây hại cho ngành và người chăn nuôi.
Thị trường thịt heo đang biến động.
Đại diện Sở Công thương Cần Thơ đề nghị Công ty C.P cũng như các doanh nghiệp chăn nuôi khác ngừng việc việc tăng giá bán để không làm ảnh hưởng thị trường và ngành chăn nuôi nói chung.
Về phần mình, ông Toại cũng cho biết, thành phố đã có nhiều biện pháp để ứng phó. Hiện Cần Thơ đã gửi văn bản đến các lò giết mổ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, Công ty C.P đề nghị tham gia chương trình bình ổn giá thời gian tới, nhất là trong dịp tết.  
Theo đề nghị này, các đơn vị phải đăng ký bình ổn giá và có nguồn hàng dự trữ để địa phương chủ động điều phối. Sở Công Thương cũng đề nghị các lò mổ chuẩn bị từ 200 – 500 kg/ngày để điều động trong trường hợp thiếu thịt heo cục bộ. Giá bán sẽ là giá bình ổn cộng thêm phí vận chuyển.
Các địa phương cần phối hợp tốt trong công tác thông tin và điều hành để góp phần bình ổn thị trường thịt heo và hạn chế nguy cơ lũng đoạn
Ngoài ra, Sở Công Thương Cần Thơ cũng đề nghị Sở công Thương các tỉnh thành khác cùng tham gia phối hợp thông tin trong việc bình ổn cũng như giải quyết nhanh trường hợp có biểu hiện lũng đoạn thịt heo và các mặt hàng khác.
“Khi đồng lòng phối hợp chặt chẽ thì không doanh nghiệp nào có thể lũng đoạn thị trường thịt heo được”, ông Toại nhấn mạnh.
Đồng tình, bà Nguyễn Huỳnh Trang– Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh đề nghị các tỉnh thành khác cùng hưởng ứng đề nghị này. Thực tế là có giai đoạn, việc phối hợp thông tin về số lượng và giá heo chưa tốt.
“TP.HCM là thị trường lớn và có vai trò điều phối rất lớn. Thịt heo tăng thì việc điều hành cũng vất vả nên cần số liệu chính xác để tìm nguyên nhân cũng như đề ra việc điều hành cho hiệu quả”, bà Trang chia sẻ.
Nguyên Vỹ (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.