Gia Lai: Những "cú hích" cho nền kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làn sóng đầu tư ngày càng mạnh mẽ hứa hẹn tạo nên những “cú hích” để kinh tế Gia Lai phát triển nhanh và vững chắc. Ngoài đem lại nguồn thu cho ngân sách địa phương, các nhà đầu tư còn tạo nhiều cơ hội việc làm và đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản trên địa bàn tỉnh.

Năm nay, anh Ngô Văn Hải (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO). Cả 3 ha chanh dây (trồng xen hồ tiêu và cà phê) của anh đều được Công ty hỗ trợ đầu tư 100% về giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Anh Hải cho biết: “Trước giờ, nông dân tự trồng, tự tìm đầu ra cho nông sản, giá cả rất bấp bênh. Sau khi liên kết với Công ty, có hợp đồng chặt chẽ đàng hoàng, giá cả ổn định, chúng tôi vô cùng an tâm. Ở Hải Yang, không chỉ tôi mà khoảng 90% hộ dân liên kết sản xuất với Công ty này”.

 

Anh Ngô Văn Hải (bìa phải) bên vườn chanh dây liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao.                                                                                                             Ảnh: H.D
Anh Ngô Văn Hải (bìa phải) bên vườn chanh dây liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: H.D

Đầu năm 2018, DOVECO đã đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Chế biến Rau quả tại huyện Mang Yang với công suất thiết kế lên đến 40.000 tấn sản phẩm/năm. Sau khi triển khai dự án, Công ty đã liên kết với các hộ nông dân trong vùng trồng rau quả làm nguyên liệu chế biến nước quả cô đặc (chanh dây, dứa, chuối, xoài, bơ, sầu riêng, mãng cầu, thanh long...) và sản phẩm đông lạnh (đậu tương, rau chân vịt, bắp ngọt, khoai lang, cà tím...). Dự kiến, sau khi Trung tâm đi vào hoạt động, hàng năm, doanh thu sẽ đạt 1.800-2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 40-50 triệu USD, nộp ngân sách cho địa phương 80-100 tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Ông Nguyễn Thanh Tùng-Giám đốc Ban Quản lý dự án DOVECO Gia Lai, khẳng định: “Hiện chúng tôi đã phát triển được trên 4.000 ha cây nguyên liệu liên kết với các nông hộ, phần lớn là chanh dây. Riêng chanh dây, chúng tôi sẽ thu mua với giá sàn là 6.000 đồng/kg”.

Được trao giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai diễn ra ngày 28-5 vừa qua, dự án Nhà máy Sản xuất Dầu thực vật của Công ty cổ phần Thủy Cường VTC với vốn đầu tư 300,88 tỷ đồng được tin tưởng sẽ thành công, góp phần vào sự phát triển của khu thị tứ biên giới Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Theo chứng nhận chủ trương đầu tư, nhà máy này có diện tích khoảng 40.600 m2, chuyên sản xuất dầu thực vật từ hạt điều và đậu nành. Nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 8-2018 tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ông Phạm Văn Binh-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, nhận định: “Đây là nhà máy sản xuất lớn nhất tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tính cho tới thời điểm này. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ tạo việc làm cho trên 300 lao động. Nhà máy cũng sẽ thu mua nguồn nguyên liệu trong khu vực và nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang kinh doanh mặt hàng này tại cửa khẩu, đồng thời góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước”.

Một số dự án khác cũng vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này. Trong đó, có dự án vốn đầu tư rất lớn mà khi đi vào hoạt động sẽ góp phần cho kinh tế vùng ngày càng khởi sắc thông qua việc tăng thu cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng cao giá trị nông sản... Có thể kể tới như Khu phức hợp công nghiệp tại huyện Chư Prông (gồm nhà máy si rô cô đặc, nhà máy điện sinh khối, nhà máy tinh bột sắn, nhà máy phân vi sinh) do Công ty Kinh doanh Hàng xuất khẩu Quang Đức đầu tư với nguồn vốn 1.550 tỷ đồng; dự án Nhà máy Chế biến Cà phê hòa tan và Cà phê bột do Công ty TNHH Tam Ba (liên kết với doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh) triển khai tại huyện Ia Grai với công suất thiết kế 2.968 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 261 tỷ đồng...

Năm 2018, tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 25.000 lao động. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong số 130 dự án đầu tư vào tỉnh từ năm 2016 tới nay, có 15 dự án đi vào hoạt động, 49 dự án đang triển khai và 66 dự án đang hoàn thành các thủ tục pháp lý. Các dự án này khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho nền kinh tế tỉnh nhà. 

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.