Gia Lai:Quyết liệt ngăn chặn hàng giả, hàng lậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu tháng 7 đến nay, Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh đã phát hiện trên 8.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, hàng lậu và không rõ nguồn gốc; xử phạt hành chính gần 400 triệu đồng.

Kiểm tra bất ngờ

Khoảng 9 giờ sáng 16-8, ngay khi phát hiện các bao hàng đựng quần áo được vận chuyển đến địa chỉ 220 Tăng Bạt Hổ (TP. Pleiku), Đội QLTT lưu động (Chi cục QLTT tỉnh) đã nhanh chóng tiến hành kiểm tra số hàng nói trên. Nhìn bề ngoài khó ai biết đây là cơ sở kinh doanh quần áo khá lớn ở TP. Pleiku vì phía ngoài không hề có bảng hiệu nào cả. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra bên trong thì quần áo chất đầy các gian nhà với đủ chủng loại, mẫu mã. Điều đáng nói là trong quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện 530 chiếc áo khoác có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas đã được bảo hộ tại Việt Nam. Nhãn mác trên những chiếc áo đều ghi bằng chữ nước ngoài và có xuất xứ từ Trung Quốc. Làm việc với cơ quan chức năng, bà Phan Thị Nhàn-chủ cơ sở kinh doanh quần áo nói trên, cho biết: “Số hàng trên mới nhập về từ chợ Đồng Xuân (TP. Hà Nội), sau đó phân phối bán lẻ trên địa bàn TP. Pleiku và các huyện, thị xã”.

 

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa.               Ảnh: D.Q
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa. Ảnh: D.Q

Theo một cán bộ QLTT, công tác kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh dễ hơn so với những cơ sở kinh doanh là đầu mối tập kết hàng để phân phối đi các huyện. Do hàng hóa để trong kho hoặc cất trong nhà ở nên rất khó kiểm tra. “Thông thường, đối với những cơ sở này, chúng tôi phải tổ chức trinh sát một thời gian dài, tìm hiểu hoạt động kỹ càng rồi mới tiến hành kiểm tra. Đồng thời, chúng tôi phải phối hợp với lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.  Pleiku để công tác kiểm tra được thuận lợi”-vị cán bộ QLTT này cho biết.

Mạnh tay xử lý

Chỉ trong hơn 1 tháng ra quân truy quét, lực lượng QLTT đã tạm giữ và tịch thu trên 8.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm. Trong đó, trên 6.000 sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu quần áo, giày dép, máy tính của các hãng nổi tiếng như: Adidas, Nike, Levi’s, Blue Exchange, Casio… và trên 2.000 sản phẩm quần áo nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Điển hình như cơ sở của bà Bùi Thị Hạnh (Siêu thị Co.op Mart Pleiku) kinh doanh hàng giả nhãn hiệu Adidas, mức xử phạt hành chính lên đến 70 triệu đồng. Hay tại cơ sở kinh doanh Hòa Trâm (22 Thi Sách, TP. Pleiku), Đội QLTT lưu động đã phát hiện 1.785 chiếc quần, áo giả mạo nhãn hiệu. Cơ sở này đã bị xử phạt hành chính 64 triệu đồng. 2 cơ sở kinh doanh quần áo khác là Thủy Hà và K.Men (đều ở TP. Pleiku) cũng bị xử phạt hành chính 45 triệu đồng/cơ sở với các lỗi vi phạm kinh doanh hàng giả mạo thương hiệu… Không chỉ quần áo, giày thể thao cũng là mặt hàng giả mạo khá phổ biến. Qua kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh đồ thể thao tại TP. Pleiku, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm đôi giày giả mạo nhãn hiệu Nike được bảo hộ tại Việt Nam, gồm các cửa hàng: Ruby Store (20B Phan Đình Phùng) và Đa Đu (453 Hùng Vương)...

 

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan-Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Người tiêu dùng nên kiểm tra đầy đủ thông tin ghi trên nhãn mác hàng hóa như: hạn sử dụng, tên nhà sản xuất, nguồn gốc xuất xứ… Nếu là hàng nhập khẩu phải có tem phụ bằng tiếng Việt. Trường hợp nếu lỡ mua phải hàng giả, người tiêu dùng nên liên hệ Hiệp hội hoặc nhà sản xuất để được hướng dẫn cách giải quyết. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ người tiêu dùng, chống hàng giả.

Trên thực tế, tình trạng giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường hiện khá phổ biến. Tuy nhiên, để có đủ cơ sở pháp lý xử lý vi phạm liên quan đến vấn đề này thì khá phức tạp, nhất là việc phân biệt giữa hàng thật và hàng giả. Theo ông Lê Hồng Hà-Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, trước đây, việc phát hiện hàng giả gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi Chi cục phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì các doanh nghiệp đã có sự hợp tác chặt chẽ hơn, cán bộ QLTT được  tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nhất là việc nhận biết hàng thật-giả ... Nhờ vậy, lực lượng QLTT đã phát hiện hàng ngàn sản phẩm giả mạo, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, thu nộp ngân sách hàng trăm triệu đồng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.