Khu vực nào giữ vai trò chủ đạo trong tổng thu ngân sách 2020?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bội chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 được dự kiến là 3,44% GDP (tương ứng 234,8 nghìn tỷ đồng), trong đó bội chi ngân sách trung ương là 3,2% GDP và bội chi ngân sách địa phương là 0,24% GDP.
Kết quả trên được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô thuộc Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, trong khuôn khổ báo cáo kinh tế vĩ mô thường niên 2020, diễn ra mới đây tại TP.HCM.
Dự toán thu chi NSNN 2020 (Nguồn: ĐH Ngân hàng TP.HCM)
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, năm 2020, cân đối NSNN có thể quay trở lại tình trạng bội chi, do năm 2020 là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2016-2020, có ý nghĩa quyết định trong  việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, nên Chính phủ được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hoạt động chi đầu tư phát triển, đặc biệt là chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương để đáp ứng các mục tiêu trên.
“Dự báo thu NSNN năm 2020 là 1.512,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% so với thực hiện năm 2019. Dự báo chi NSNN ở mức 1.747,1 nghìn tỷ đồng, tăng 32,7% so với ước thực hiện 2019. Bội chi của NSNN dự kiến là 3,44% GDP (tương ứng 234,8 nghìn tỷ đồng), trong đó bội chi ngân sách trung ương là 3,2% GDP và bội chi ngân sách địa phương là 0,24% GDP”, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, cho biết.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung, trong cơ cấu thu, thu từ nội địa và thu từ xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục duy trì ổn định so với dự toán. Trong đó, thu từ nội địa vẫn đóng vai trò chủ đạo (chiếm 83,6% tổng thu), chủ yếu đến từ thu thuế, phí, thu tiền sử dụng đất và từ hoạt động xổ số kiến thiết. Trong khi đó, thu từ dầu thô được dự báo đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, dựa trên sản lượng khai thác là 9,02 triệu tấn và trên cơ sở giá được điều chỉnh giảm là 60 USD/thùng.
“Cơ cấu chi NSNN định hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN hằng năm, và giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên (không bao gồm chi tạo nguồn cải cách tiền lương). Chi đầu tư phát triển được kỳ vọng tăng mạnh, ở mức 470,6 nghìn tỷ đồng, tăng 90,8% so với ước thực hiện năm 2019 và tăng 9,6% so với dự toán 2019. Chi thường xuyên được dự báo tăng 13,1% so với dự toán 2019”, ông Trung nói thêm.
Tình hình thu chi NSNN giai đoạn 2015-2019 (ĐVT: nghìn tỷ đồng)
Còn theo TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng: “Năm 2020, Chính phủ vẫn tiếp tục cố gắng duy trì tỷ lệ nợ trong giới hạn cho phép. Dự kiến đến hết năm 2020, dư nợ công bằng 54,3% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 48,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,5% GDP”.
Được biết, cân đối NSNN năm 2019 tiếp tục bội thu và đạt mức cao kỷ lục do tất cả các cấu phần thu đều tích cực và chi đầu tư phát triển giải ngân khá chậm. Tính đến ngày 15/12/2019, cân đối NSNN bội thu 97,9 nghìn tỷ đồng, ghi nhận mức bội thu cao nhất trong 5 năm gần đây tại cùng thời điểm. Thu NSNN tính đến ngày 15/12/2019 ước đạt 1.414,3 nghìn tỷ đồng, tương ứng 100,2% dự toán năm, trong đó thu nội địa vẫn là nguồn thu chiếm tỷ trọng chủ yêu (81%), trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và dầu thô đều vượt dự toán, đóng góp với tỷ lệ lần lượt là 14,9% và 3,8%.
Chi NSNN tính đến thời điểm 15/12/2019 ước đạt 1.316,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 80,6% dự toán năm. Trong cơ cấu chi, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với tỷ lệ lên tới 70,5%, đạt giá trị 927,9 nghìn tỷ đồng, bằng 89% dự toán. Chi đầu tư phát triển và 246,7 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán và là mức giải ngân chi đầu tư phát triển thấp nhất trong 2 năm qua. Chi trả nợ lãi là 93,4 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán năm.
Quốc Hải (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.