Tịch thu, bấm lỗ tiền giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tại Thông tư số 28/2013/TT-NHNN quy định về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm các tổ chức tín dụng trả lại tiền giả cho khách hàng mà phải tịch thu, bấm lỗ và chuyển về cho cơ quan này tiêu hủy.
 

Cụ thể, trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối chiếu với đặc điểm bảo an của tiền mẫu (hoặc tiền thật) cùng loại, thông báo về đặc điểm nhận biết tiền giả của Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) để xử lý.

Trường hợp khẳng định đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn là loại tiền giả đã được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập biên bản, thu giữ và đóng dấu, bấm lỗ tiền giả.

Đối với tiền giả xác định là tiền giả loại mới (chưa được Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công an thông báo bằng văn bản), phải lập biên bản và thu giữ nhưng không đóng dấu, bấm lỗ tiền giả. Trong vòng 2 ngày làm việc kể từ khi thu giữ tiền giả loại mới, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn hoặc Sở giao dịch; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch thông báo bằng văn bản cho Cục Phát hành và Kho quỹ.

Cục Phát hành và Kho quỹ sẽ thực hiện phân tích, giám định và thông báo về đặc điểm nhận biết tiền giả loại mới bằng văn bản cho các đơn vị theo quy định.

Khi nhận được thông báo bằng văn bản về tiền giả loại mới của Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phải thông báo về đặc điểm nhận biết tiền giả loại mới bằng văn bản cho Hội sở chính tổ chức tín dụng (trừ Hội sở chính ngân hàng thương mại là doanh nghiệp Nhà nước), chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn.

Khi nhận được thông báo bằng văn bản về tiền giả loại mới của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo bằng văn bản cho các đơn vị trong hệ thống để phòng ngừa tiền giả.

Trường hợp cần thiết, Cục Phát hành và Kho quỹ thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước về đặc điểm nhận biết của tiền giả xuất hiện trong lưu thông để các tổ chức, cá nhân cảnh giác, chủ động phòng ngừa.

Phối hợp Công an xử lý tiền giả

Theo Thông tư, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp, xử lý khi có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; khi phát hiện tiền giả loại mới hoặc phát hiện có 5 tờ tiền giấy giả (5 miếng tiền kim loại giả) hoặc nhiều hơn trong một giao dịch; khi khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả.

Trong quá trình kiểm đếm, phân loại, tuyển chọn tiền sau khi giao nhận tiền mặt theo bó, túi nguyên niêm phong trong ngành ngân hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khi phát hiện tiền giả, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xử lý như đối với tiền giả phát hiện trong giao dịch tiền mặt.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20-1-2014, thay thế Quyết định số 28/2008/QĐ-NHNN ban hành quy định về việc xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành Ngân hàng.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.