An Khê: Chủ động phòng-chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm ở cửa ngõ phía Đông của tỉnh, là địa bàn giáp ranh với tỉnh Bình Định nên công tác phòng- chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn được thị xã An Khê đặc biệt quan tâm, nhất là khi gần đây tại một số địa phương xuất hiện dịch lở mồm long móng.

Theo thống kê, hiện thị xã An Khê có 15.257 con trâu, bò, 17.947 con heo của hơn 7.300 hộ chăn nuôi, trong đó có 6 trang trại nuôi heo với số lượng từ 100 con trở lên. Một số xã có đàn gia súc lớn như: Tú An (2.600 con), Thành An (2.100 con), Song An (1.750 con)… Mặc dù là địa bàn giáp ranh với tỉnh Bình Định, đồng thời là khu vực đầu mối giao thương khu vực phía Đông tỉnh với lượng gia súc, gia cầm được vận chuyển đến-đi khá lớn, tuy nhiên, theo ghi nhận của cơ quan chuyên môn địa phương, trong khoảng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn thị xã An Khê chưa xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm phát sinh thành ổ dịch. Để có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn trong công tác phòng-chống dịch bệnh.

 

Công tác phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc luôn được thị xã An Khê đặc biệt quan tâm. Ảnh: L.H
Công tác phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc luôn được thị xã An Khê đặc biệt quan tâm. Ảnh: L.H

Ông Phạm Văn Chương-Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã An Khê, cho biết: “Với vai trò là cơ quan chuyên môn phụ trách công tác quản lý trên lĩnh vực chăn nuôi và thú y tại địa bàn, chúng tôi xác định quan điểm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tức là, công tác phòng-chống dịch bệnh luôn được đặt lên hàng đầu, phòng ngừa tối đa nguy cơ dịch bệnh hơn là phải xử lý sự cố”.

Để chủ động phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã luôn chú trọng tuyên truyền, tư vấn cho các hộ chăn nuôi. Chỉ riêng tháng 9 năm nay, Trạm đã thực hiện tuyên truyền cho hơn 12.600 lượt người dân trên địa bàn. Đi liền với đó, Trạm đã hoàn tất kế hoạch tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc với 9.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò và 9.000 liều kép heo (tụ huyết trùng, phó thương hàn và dịch tả heo); tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng trâu, bò đợt I năm 2017 với 12.000 liều tuýp O. Ngoài ra, Trạm đã vận động hộ chăn nuôi sử dụng 2.000 liều vắc xin heo các loại, 200 liều phòng bệnh dại cho chó và 15.000 liều vắc xin gia cầm thông thường.

Về công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, từ nguồn phân bổ 488 lít benkocid cho toàn địa bàn, ngành chuyên môn đã thực hiện tiêu độc khử trùng đạt trên 850.000 m2. Đồng thời, tăng cường vận động các hộ chăn nuôi tự giác thực hiện việc tiêu độc khử trùng môi trường bằng hóa chất và vôi bột. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát, không để xảy ra  ổ dịch, các loại dịch bệnh thông thường được can thiệp kịp thời. Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y được thực hiện chặt chẽ. Trong đó, riêng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã đã thực hiện 8 đợt kiểm tra bò giống thuộc chương trình hỗ trợ cấp không cho các huyện: Đak Pơ, Kông Chro, Kbang, Đak Đoa và Chư Prông với 1.121 con và 68 con khác của chương trình dự án địa phương.

Ngoài ra, Trạm còn thực hiện kiểm dịch 949 con gia súc xuất ra ngoài tỉnh. Công tác kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ, điểm bán động vật và sản phẩm động vật, đặc biệt là tại 4 chợ nội thị: chợ trung tâm, An Tân, An Xuyên, chợ Đồn được kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên. Công tác kiểm soát giết mổ cũng được chú trọng. Theo thống kê, trong 9 tháng qua, lực lượng chuyên môn đã thực hiện kiểm soát giết mổ 722 con trâu, bò; 8.449 con heo và 5.095 con gia cầm các loại. “Nhìn chung, việc mua bán động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn hầu hết là tự cung tự cấp giữa các vùng với nhau. Do đó hạn chế nguy cơ sản phẩm đem theo mầm bệnh du nhập. Trên quốc lộ 19, đoạn giáp ranh tỉnh Bình Định đã có chốt kiểm dịch động vật. Bên cạnh đó, ý thức của người chăn nuôi cũng góp phần cùng lực lượng chức năng kiểm soát dịch bệnh”-ông Chương nhấn mạnh.

Tuy đạt được những kết quả khả quan song công tác phòng- chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại thị xã An Khê không phải không có những khó khăn. “Lực lượng chuyên môn còn thiếu kinh phí ở tuyến xã. Sắp tới, chúng tôi sẽ rà soát thống kê định  kỳ và chuẩn bị công tác tiêm phòng đợt II cho đàn gia súc. Riêng với Chương trình quốc gia về phòng-chống bệnh lở mồm long móng gia súc trong 5 năm (2016-2020), chúng tôi cần được bổ sung thêm vắc xin A, ACA, nhất là khi tại thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa... đã xuất hiện hiện tượng bò mắc bệnh lở mồm long móng không thuộc tuýp đã được tiêm chủng là tuýp O”-ông Chương kiến nghị.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.