Hướng đến sản phẩm sạch và cao cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước sự đòi hỏi ngày càng khó tính của khách hàng, để đứng vững trong cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt trên thị trường, các doanh nghiệp chế biến cà phê ở nước ta không còn sự lựa chọn nào khác là phải hướng đến việc sản xuất ra những sản phẩm cà phê sạch và cà phê chất lượng cao.

Sạch là tiêu chí hàng đầu

Với hơn 90 triệu dân, trong đó có hàng triệu người coi cà phê là thức uống không thể thiếu mỗi ngày, Việt Nam thực sự là một thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp chế biến cà phê rang xay khai thác. Tuy nhiên, chất lượng cà phê rang xay bán trên thị trường nước ta chưa bao giờ tạo được sự yên tâm cho người tiêu dùng khi các lực lượng chức năng liên tục phát hiện ra những cơ sở chế biến “cà phê bẩn”, sử dụng các loại nguyên liệu, hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc, thậm chí chế biến cà phê mà không cần sử dụng nguyên liệu là cà phê. Điều này đã khiến không ít người tiêu dùng buộc phải từ bỏ thói quen uống cà phê hàng ngày để bảo vệ sức khỏe, đồng thời cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp chế biến cà phê làm ăn đàng hoàng.

 

Gian hàng cà phê tại Hội chợ chuyên ngành cà phê lần thứ V (Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột).                    Ảnh: V.P
Gian hàng cà phê tại Hội chợ chuyên ngành cà phê lần thứ V (Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột). Ảnh: V.P

Thực trạng đáng buồn đó, để tạo niềm tin nơi người tiêu dùng và cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp chế biến cà phê rang xay đã coi việc sản xuất “cà phê sạch” là tiêu chí hàng đầu. Điều này được minh chứng rất rõ tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V khi các doanh nghiệp đều tập trung nhấn mạnh sản phẩm sạch của mình bằng những câu slogan ấn tượng như: “Đơn giản là cà phê” (Y5CAFE), “Cà phê hữu cơ, nguyên chất” (Azzan Coffee), “100% cà phê sạch” (G20)… Nhiều doanh nghiệp còn tận tình chỉ dẫn cho khách hàng hiểu thế nào là cà phê sạch, đó là cà phê “không hương liệu, không phụ gia, không pha độn…”, “bột lâu chìm khi cho vào nước, bột nở bung khi rót nước sôi, nước nâu không sánh, mùi thơm dịu dàng, hậu vị đắng dịu”. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn mang theo cả dây chuyền sản xuất cà phê của mình để trực tiếp giới thiệu với những khách hàng có nhu cầu tìm hiểu tường tận quy trình chế biến cà phê sạch.

Đến những sản phẩm cà phê cao cấp

 

Bên cạnh phân khúc cà phê tầm trung, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp chế biến cà phê ở nước ta đã bắt đầu chuyển hướng sang đầu tư sản xuất loại cà phê cao cấp để phục vụ khách hàng hạng sang. Tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V, ngoài các sản phẩm cà phê chồn đã trở nên khá quen thuộc mang nhãn hiệu Trung Nguyên, Cư Bao…, lần đầu tiên, sản phẩm cà phê voi đã được một doanh nghiệp Việt Nam đem ra giới thiệu với khách hàng. Theo ông Nguyễn Văn Hòa-Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Cao Nguyên Việt (Đak Lak), trước đây, trên thế giới chỉ có Thái Lan sản xuất được cà phê voi. Đây được coi là loại cà phê đắt nhất thế giới với giá bán trên thị trường khoảng 1.500 USD/kg. Sau một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm trên đàn voi 10 con ở huyện Lak, Công ty Cao Nguyên Việt cũng đã sản xuất thành công sản phẩm này.

Việc các doanh nghiệp chế biến cà phê nỗ lực tạo ra các sản phẩm cà phê sạch và cà phê cao cấp rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng đối với thị trường cà phê rang xay trong nước. Ngoài việc đem lại cho khách hàng cơ hội được sử dụng những sản phẩm cà phê chất lượng, bảo đảm sức khỏe, điều này còn giúp nâng tầm chất lượng và giá trị của ngành sản xuất và chế biến cà phê Việt Nam trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các thương hiệu cà phê trên thế giới.

Vĩnh Phúc

Khi người tiêu dùng ngày càng thông thái hơn và biết cách tự bảo vệ mình trước các loại thực thẩm bẩn thì cà phê sạch cũng… lên ngôi. Tại TP. Pleiku, nhiều quán cà phê từ lâu đã được biết đến với hương vị cà phê nguyên chất như Kim Liên (Tăng Bạt Hổ), Thiên Nga (Hùng Vương)… Không ít quán đã đưa “cà phê mộc”, hoặc cà phê xay truyền thống vào thực đơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng như Thanh Thủy (Nguyễn Văn Trỗi), Cochin (Tăng Bạt Hổ), Em và Tôi (Trần Hưng Đạo)... Trong khi đó, cửa hàng Mesa Bakery & Coffee (Nguyễn Văn Trỗi), với phương châm chỉ sử dụng cà phê nguyên chất trong pha chế, cũng đã đưa hẳn vào phần đầu thực đơn các cách nhận biết cà phê nguyên chất và cà phê pha tạp. Song song với xu hướng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ này là trào lưu tự rang xay cà phê để thưởng thức của một bộ phận cư dân TP. Pleiku.

Khi mà khách hàng đang hướng đến thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe thì đầu tư sản xuất cà phê sạch là hướng đi đúng, bền vững được nhiều công ty và các cơ sở chế biến cà phê lựa chọn. Và trên hết, như nhiều dân ghiền cà phê thứ thiệt nhận định: Khi cà phê quay trở về đúng với hương vị truyền thống vốn có, thì đây không chỉ là chuyện đảm bảo sức khỏe mà còn là trả lại cho cà phê một cách thưởng thức đúng điệu. 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.