Nét nổi bật của thị trường mía đường ở nước ta hiện nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến đầu tháng 6, các nhà máy đường trong nước đã ép được 15,9 triệu tấn mía, với 1,58 triệu tấn đường, so với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép tăng 105.500 tấn, lượng đường sản xuất tăng 123.680 tấn, tương đương tăng 7,8%. Đây là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh giá đường thế giới tiếp tục giảm xuống mức thấp.

Bên cạnh nhu cầu sử dụng đường năm 2014 được nhận định tăng khá so với năm 2013. Hiệp hội Mía đường Việt Nam-VSSA, ước tiêu thụ đường trong nước năm 2014 khoảng 1,4 triệu tấn, tăng gần 100 ngàn tấn so với năm ngoái. Báo cáo của các công ty có nhu cầu sử dụng đường gửi Bộ Công thương cho thấy nhiều công ty đang có kế hoạch mở rộng sản xuất, do đó tăng nhu cầu sử dụng đường như Công ty Tân Hiệp Phát mở rộng sản xuất tại nhà máy mới ở Hà Nam để tăng sản lượng các sản phẩm nước uống các loại thêm 10%, công ty Orion, Cà phê Biên Hòa, RedBull, CocaCola, Nestle, Bibica… cũng nâng công suất sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, nước ngọt. Nhu cầu tiêu thụ đường của các công ty trong năm 2014 được dự báo sẽ vào khoảng 1,2 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2013. Trong đó, các công ty đã đăng ký khoảng 890.000 tấn đường tinh luyện cho kế hoạch sản xuất trong năm nay. Tính đến đầu tháng 6, các nhà máy đường đã tiêu thụ được gần 1,5 triệu tấn đường (tính cả lượng đường từ niên vụ trước chuyển sang).
                            
Theo số liệu trên thì mức tiêu thụ đường bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 16 kg/người/năm, và từ năm 2012 sản xuất đường trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng  trong nước, nhưng chưa tính đến số lượng nhập khẩu đường khá lớn, kể cả nhập lậu qua đường biên giới hàng năm được sử dụng cho nhu cầu trong nước. Theo tính toán của đại diện Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam thì nhu cầu sử dụng đường năm 2013 của Việt Nam lên đến 1,856 triệu tấn, dự kiến năm 2014 lên 1,958 triệu tấn, sai lệch hơn 500 ngàn tấn so với tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

 

Nhu cầu xuất khẩu đường vài năm gần đây tăng khá trên cở sở sản lượng đường sản xuất trong nước tăng và nhập khẩu đường lậu qua biên giới phía Nam. Năm 2013 Bộ Công thương cho phép xuất khẩu tiểu ngạch 300 ngàn tấn qua Trung Quốc, kết quả xuất khẩu đạt 325 ngàn tấn, với kim ngạch 202 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc chiếm gần 95%, Campuchia chiếm 2,2%, Singapore chiếm 1,5%. Đầu năm 2014 Bộ Công thương có văn bản đồng ý cho 10 doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch 200.000 tấn đường qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Trước mắt chỉ cho xuất khẩu tiểu ngạch đường kính trắng RS với thời hạn đến 30-6-2014 hoặc khi có cân đối chính thức cung cầu của Bộ Nông nghiệp và PTNT khi vụ mía đường 2013-2014 kết thúc. Riêng đường tinh luyện RE, Bộ Công thương sẽ cho phép xuất khẩu tiểu ngạch khi đã đảm bảo nhu cầu cho sản xuất trong nước. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến đầu tháng 5-2014 lượng đường tồn kho lên hơn 710 ngàn tấn, trong đó tồn kho tại các nhà máy chế biến 683 ngàn tấn, còn lại là tồn kho tại các công ty thương mại, tăng hơn 130 ngàn tấn so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tồn kho cao nhất kể từ trước đến nay. Cùng với lượng đường nhập chính ngạch và nhập lậu qua biên giới các tỉnh phía Nam, dự kiến lượng đường xuất khẩu năm nay sẽ tăng hơn so với năm 2013. Tuy nhiên rất có thể việc xuất khẩu đường sang Trung Quốc gặp khó khăn sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại biển Đông.

 

Sản xuất, tiêu thụ đường Việt Nam-1.000 tấn
Sản xuất, tiêu thụ đường Việt Nam-1.000 tấn

Nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2013 ở mức 73 ngàn tấn, năm 2014 đã cấp hạn ngạch nhập 77 ngàn tấn. Kim ngạch nhập khẩu đường năm 2013 đạt 128,6 triệu USD, giảm 13,9% so với năm 2012, bằng 1/2 so với năm 2011, năm 2014 ước khoảng 140 triệu USD. Cơ cấu kim ngạch đường nhập khẩu, đường tinh chiếm 18,5%, đường thô chiếm 10,5%, đường khác (chủ yếu là các loại đường chuyên dùng) chiếm hơn 70% tổng kim ngạch nhập khẩu đường. Việt Nam nhập khẩu đường chủ yếu từ các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, Thái Lan.

Đường nhập lậu qua biên giới các tỉnh phía Nam chiếm số lượng lớn, theo ước tính của Hiệp hội Mía đường Việt Nam năm 2014 có thể lên 500 ngàn tấn, chiếm gần 1/3 nhu cầu đường trong nước, chủ yếu do đường Thái Lan có giá thấp hơn, sản lượng đường xuất khẩu của Thái Lan được dự kiến tăng 22%so với năm ngoái.

Một số thông tin dự báo cho thấy, dù gần đây tốc độ giảm giá đường trên thị trường thế giới đã chững lại, do thông tin về mức thặng dư nguồn cung đường từ sản xuất đã giảm, thậm chí có dự báo có thể xảy ra thiếu hụt vào niên vụ sau, nhưng mức dự trữ, tồn kho đường thế giới vẫn ở mức cao, trên 74 triệu tấn, bằng 1/4 tổng tiêu dùng đường, trong khi nhu cầu tiêu thụ đường tăng chậm, nên giá đường thế giới nhiều khả năng chưa hồi phục. Giá đường trong nước mặc dù được bảo hộ bằng hạn ngạch thuế quan, nhưng vẫn chịu tác động bởi những biến động của thị trường đường Thái Lan và Trung Quốc.

Về sản xuất mía đường trong nước, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tiến độ trồng mía đến tháng 6-2014 đạt hơn 183 ngàn ha, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái, là tín hiệu cho thấy sản xuất mía chưa giảm dù giá đường xuống thấp. Tuy nhiên vẫn còn khá sớm để nhận định đầy đủ hơn về sản lượng mía của niên vụ 2014-2015. Trong 6 tháng cuối năm 2014, nguồn cung đường khá dồi dào (với khoảng 1,2 triệu tấn, bao gồm tồn kho đến cuối tháng 6 và sản xuất 2 tháng đầu niên vụ 2014-2015, nhập khẩu, kể cả chính ngạch và nhập lậu), trong khi tiêu dùng không có nhiều tín hiệu sẽ tăng mạnh (khoảng 800-900 ngàn tấn) do sức mua dân cư tăng chậm, do đó sản lượng đường có khả năng xuất khẩu hoặc tồn kho còn lớn. Giá đường từ nay đến cuối năm chưa có nhiều khả năng hồi phục để quay đầu tăng trở lại.

Nguyễn Viết

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.