Kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến người dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ đổi mới công tác tuyên truyền nên thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người dân tộc thiểu số đã được kéo giảm đáng kể.
 

Lực lượng Cảnh sát Giao thông tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện (ảnh cơ quan Công an cung cấp).
Lực lượng Cảnh sát Giao thông tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện (ảnh cơ quan Công an cung cấp).

Đại úy Tống Văn Tiến-Trưởng Công an xã Ia Ake (huyện Phú Thiện) thông tin: Thời gian qua, Công an xã đã xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả các biện pháp đảm bảo TTATGT gắn với phòng-chống tội phạm. Từ kế hoạch này, Công an xã chủ động phối hợp với hệ thống chính trị các thôn, làng rà soát số công dân đủ 18 tuổi trở lên chưa có giấy phép lái xe để tham mưu, đề xuất UBND xã phối hợp với Trung tâm Đào tạo lái xe Phú Thiện hướng dẫn người dân đăng ký học, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1. Đồng thời, đơn vị phối hợp với các ngành, đoàn thể về tận thôn, làng tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho người dân; thường xuyên tranh thủ người có uy tín, chức sắc tôn giáo để tuyên truyền pháp luật cho bà con. Công an xã cũng vận động lắp đặt camera an ninh tại 7/8 thôn, làng; tiến hành gọi hỏi răn đe các trường hợp cá biệt, nhất là thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số thường xuyên có hành vi càn quấy, buộc ký cam kết không tái phạm. Ngoài ra, thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Công an xã thường xuyên tuyên truyền các quy định của pháp luật để người dân nâng cao ý thức chấp hành. Nhờ đó, tình hình TTATGT trên địa bàn xã có chuyển biến tích cực, góp phần cùng huyện kéo giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí so với 6 tháng đầu năm 2021.

Theo đánh giá, huyện Kbang có tỷ lệ TNGT giảm sâu nhất tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, TNGT của huyện giảm 60% số vụ, giảm 75% số người chết và giảm 85,7% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021. Thượng tá Trần Đăng Khoa-Phó Trưởng Công an huyện-chia sẻ: Để đạt được kết quả trên, ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, Công an huyện đã chỉ đạo Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự, Công an các xã, thị trấn thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, trường học và tranh thủ già làng, người có uy tín để tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là về tận cơ sở để tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, huyện Kbang đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát TTATGT, sử dụng hình ảnh từ hệ thống camera an ninh, hình ảnh của người dân cung cấp qua các trang mạng Zalo, Facebook để xử lý các hành vi vi phạm. Ngoài ra, Công an huyện chỉ đạo Công an các xã, thị trấn tập trung rà soát, tiến hành gọi hỏi răn đe cá biệt đối với những thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm TTATGT, yêu cầu ký cam kết không tái phạm. Lực lượng Công an các xã, thị trấn cũng phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền và cho các bậc phụ huynh ký cam kết không giao xe cho con em khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các trung tâm sát hạch lái xe để đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho người dân tộc thiểu số, đặc biệt là những người không biết đọc, viết tiếng Việt…

Cán bộ Công an huyện Kbang tranh thủ người có uy tín làng Sơ Lam, xã Krong trong hoạt động tuyên truyền pháp luật đến với người dân. Ảnh: Hạ Vy
Cán bộ Công an huyện Kbang tranh thủ người có uy tín làng Sơ Lam, xã Krong trong hoạt động tuyên truyền pháp luật đến với người dân. Ảnh: Hạ Vy


Từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị đã tổ chức gần 900 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các thôn, làng, tổ dân phố thu hút hơn 78 ngàn lượt người tham dự; tuyên truyền lưu động bằng xe loa hơn 7.700 lượt trên các tuyến quốc lộ, khu đông dân cư. Thông qua các buổi tuyên truyền, lực lượng Công an đã vận động cá biệt hơn 2.800 đối tượng liên quan đến TTATGT. Nhờ triển khai tốt công tác bảo đảm TTATGT nên trong 6 tháng đầu năm 2022, TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số đã được kéo giảm khi toàn tỉnh xảy ra 70 vụ, làm 54 người chết và 54 người bị thương (giảm 14 vụ, giảm 9 người chết và chỉ tăng 1 người bị thương so với cùng kỳ năm 2021).

Trao đổi với P.V, ông Võ Ngọc Quảng-Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh-cho biết: “Để tiếp tục phấn đấu kéo giảm TNGT trong thời gian tới, ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác tuyên truyền cần sát với thực tế cuộc sống, phong tục tập quán để người dân dễ nắm bắt. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kết hợp giữa tuyên truyền, vận động với xây dựng điển hình tiên tiến, đặc biệt là các già làng, người có uy tín tại địa phương để kịp thời động viên, khen thưởng. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông, nghiệp vụ nắm tình hình, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ tuyên truyền viên để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ”.

 

HẠ VY

 

Có thể bạn quan tâm

Phan Quốc Việt khai gì trong vụ móc nối với Công ty AIC?

Phan Quốc Việt khai gì trong vụ móc nối với Công ty AIC?

Khi biết Công ty AIC đồng ý cho Công ty Gene Việt liên danh gói thầu giai đoạn 1 dự án thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, Phan Quốc Việt liền chỉ đạo giao lại Cty Việt Á đứng tên liên danh và thực hiện các thủ tục thay vì thấy công ty này chưa đủ năng lực.
17 nạn nhân cấp cứu tại các cơ sở y tế của tỉnh

17 nạn nhân cấp cứu tại các cơ sở y tế của tỉnh

(GLO)- Sáng 30-4, ông Lý Minh Thái-Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai kích hoạt "báo động đỏ" để tổ chức cấp cứu cho các nạn nhân vụ hai xe khách va chạm vào rạng sáng nay tại đường tránh Chư Sê và quốc lộ 25.