Nhà tan cửa nát vì sập "bẫy" lãi suất cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều gia đình đang ấm êm, hạnh phúc bỗng tan cửa nát nhà vì ham lợi từ những kẻ lừa đảo bằng hình thức cho vay lãi suất cao. Lực lượng chức năng đã không ít lần gióng lên những hồi chuông cảnh báo nhưng nhiều người vẫn “sập bẫy”. 
Bà Vũ Thị Cưng (SN 1977, trú tại tổ 7, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã từng có một cuộc sống yên bình bên chồng con. Biến cố ập đến với gia đình bà vào năm 2017, khi có thêm người hàng xóm mới là Bùi Thị Thúy (SN 1985) quê ở Ninh Bình vào thuê nhà ở tại tổ 7, phường Thắng Lợi. Chồng Thúy là lái xe chở hàng, Thúy chỉ ở nhà nội trợ chăm con. 
Dù ở nhà thuê, không có nghề nghiệp và chỉ học hết lớp 9 nhưng Thúy tạo ra cho mình vỏ bọc của một người phụ nữ lanh lợi, tháo vát. Đối tượng vẫn hay khoe khoang rằng mình thường xuyên chạy tiền để lo dịch vụ đáo hạn ngân hàng và kinh doanh bất động sản. 
Tin vào lời đường mật của Thúy, khoảng tháng 2-2018, bà Cưng đã mang tiền tích cóp cho Thúy vay 50-60 triệu đồng trong khoảng thời gian 3-4 ngày. Khi vay, cả 2 chỉ thỏa thuận miệng mức lãi suất 1-3 ngàn đồng/triệu đồng/ngày. Để tăng niềm tin cho bà Cưng, những lần này, Thúy đều trả tiền gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn.  
 Bị cáo Bùi Thị Thúy tại phiên tòa. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Bị cáo Bùi Thị Thúy tại phiên tòa. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Khoảng tháng 4-2018, Thúy tiếp tục nói với bà Cưng rằng mình đang cần số tiền lớn để đáo hạn ngân hàng và mua bán bất động sản. Tin tưởng Thúy, bà Cưng đã vay mượn nhiều nơi, dùng cả sổ đỏ căn nhà của mình để lấy tiền đưa cho Thúy mượn số tiền hơn 5,4 tỷ đồng. Trong khoảng thời gian này, Thúy vẫn trả lãi đều đặn nhưng đến khoảng tháng 8-2018 thì đối tượng bỏ trốn khỏi địa phương. 
“Tôi cũng vì quá tin tưởng Thúy nên giờ đây nhà cửa của gia đình tôi bị siết nợ. Chồng con tôi ly tán, phải vào tận Kiên Giang ở, tôi phải đi bán vé số kiếm sống qua ngày. Giá như ngày đó tôi tỉnh táo hơn, không hám lợi thì không đến nỗi tán gia bại sản thế này. Không biết đến bao giờ tôi mới đòi lại được số tiền của mình”-bà Cưng nói trong nước mắt. 
Cũng như bà Cưng, bà Lê Thị Thu Hường (SN 1975, trú tại tổ 7, phường Thắng Lợi) đã phải thế chấp giấy tờ, tài sản cho Thúy vay hơn 1,9 tỷ đồng với lãi suất thỏa thuận bằng miệng 1-2 ngàn đồng/triệu đồng/ngày. Vốn chỉ bán quán ăn sáng, hàng ngày, lời lãi cũng chỉ đủ nuôi các con ăn học, nhưng bà Hường đã “sẵn lòng” bỏ tiền cho người hàng xóm vay mà không một giấy tờ, tài sản thế chấp.
Tại phiên tòa xét xử Thúy, bà Hường đã không cầm nổi những giọt nước mắt: “Thúy nợ tôi 1,9 tỷ đồng nhưng tôi chỉ xin trả lại 1 tỷ đồng để trang trải bớt nợ nần, chứ số tiền đó tôi vừa vay ngân hàng, vừa vay bên ngoài, người ta suốt ngày đến đòi nợ tôi. Người ta còn thưa kiện tôi lừa đảo nọ kia trong khi chính tôi đang bị Thúy lừa”. 

Ngày 13-8, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Bùi Thị Thúy 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo hồ sơ, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 5-2018, Thúy đã lừa đảo 4 người phụ nữ cùng trú tại phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) tổng số tiền hơn 9,6 tỷ đồng. 

 LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Phan Quốc Việt khai gì trong vụ móc nối với Công ty AIC?

Phan Quốc Việt khai gì trong vụ móc nối với Công ty AIC?

Khi biết Công ty AIC đồng ý cho Công ty Gene Việt liên danh gói thầu giai đoạn 1 dự án thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, Phan Quốc Việt liền chỉ đạo giao lại Cty Việt Á đứng tên liên danh và thực hiện các thủ tục thay vì thấy công ty này chưa đủ năng lực.
Khởi tố nhiều giám đốc, kế toán liên quan vụ đường dây mua bán trái phép hóa đơn khủng

Khởi tố nhiều giám đốc, kế toán liên quan vụ đường dây mua bán trái phép hóa đơn khủng

Điều tra mở rộng vụ đường dây mua bán hóa đơn hơn 2.500 tỷ đồng do Nguyễn Xuân Vinh cầm đầu, công an xác định nhiều doanh nghiệp mua hóa đơn từ đường dây trên để đưa vào sử dụng trong hoạt động tài chính, kế toán, báo cáo thuế, vi phạm quy định của pháp luật.