Đẩy mạnh công tác vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO) Làm tốt công tác vận động công dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn an ninh trật tự…  từ đó góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho dân.

Công tác vận động quần chúng nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK-VLN-CCHT) được lãnh đạo Công an huyện Chư Prông hết sức quan tâm trong thời gian qua. Trong đó, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện là đơn vị trực tiếp triển khai các đợt kiểm tra, vận động, tuyên truyền công dân chấp hành.

 

Súng quân dụng bị thu giữ tại Công an huyện Chư Prông.     Ảnh: H.S
Súng quân dụng bị thu giữ tại Công an huyện Chư Prông. Ảnh: H.S

Đến nay, Công an huyện Chư Prông đã tiến hành 4 đợt kiểm tra, 3 đợt vận động quần chúng giao nộp VK-VLN-CCHT, trong đó đã tiến hành vận động cá biệt 48 trường hợp có dấu hiệu tàng trữ vũ khí trái phép. Bên cạnh đó, Công an huyện tham mưu UBND huyện chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên toàn huyện, các đồn Biên phòng cùng phối hợp với lực lượng Công an huyện triển khai 5 đợt tuyên truyền vận động tập trung với 686 lượt người tham gia, trên địa bàn 5 xã trọng điểm gồm: Ia Lâu, Ia Mơr, Ia O, Ia Puch và Ia Drăng. Đây là các xã có đồng bào dân tộc thiểu số miền Bắc vào định cư, thường mang theo các loại vũ khí tự chế.

Tuy nhiên công tác vận động công dân giao nộp VK-VLN-CCHT còn khá nhiều khó khăn. Ngoài điều kiện khách quan, địa bàn huyện trước kia là vùng Mỹ đóng quân nên vẫn còn tiềm ẩn tình trạng người dân phát hiện và tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép, bên cạnh đó, sau năm 1989 nhiều đợt di cư của các dân tộc phía Bắc vào định cư tại địa phương theo diện kinh tế mới, mang theo rất nhiều súng tự chế. Mặc dù các loại súng tự chế được thu giữ rất nhiều, nhưng các loại vũ khí này vẫn còn tồn tại trong dân.

Cái khó để họ giao nộp súng tự chế xuất phát từ tập tục sống có từ lâu đời thường gắn liền với thói quen săn bắn thú rừng trong đời sống du canh du cư. Trong tâm lý đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc còn mang nặng ý nghĩ súng là một vật kỷ niệm, súng là công cụ dùng săn bắt thú rừng và là công cụ bảo vệ nương rẫy. Không chỉ vậy, để đối phó với các cơ quan chức năng, đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc còn chôn súng tại rẫy, trong rừng để sử dụng, vì thế công tác nắm bắt để kiểm tra, vận động giao nộp vũ khí hết sức khó khăn. Đơn cử trong năm qua có 3 trường hợp sử dụng súng tự chế giấu sẵn trong rừng săn bắn thú, khi bị lực lượng tuần tra thuộc đồn Biên phòng 729 phát hiện, truy đuổi, các đối tượng đã vứt súng bỏ chạy.

 

Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Chư Prông đã thu 134 súng các loại, trong đó 16 súng quân dụng, 118 súng tự chế, 1 bình xịt hơi cay. Đơn vị đã bàn giao Phòng PC64 Công an tỉnh 89 khẩu súng các loại, trong đó có 11 khẩu súng quân dụng. Hiện nay, Công an huyện đang giữ 44 khẩu súng các loại.

Ngoài ra, gần đây thanh niên người địa phương nổi lên phong trào tự chế một loại súng bơm hơi bắn đạn bằng bi sắt, với đường kính viên bi sắt khoảng 3 mm, dùng săn bắn các loại thú nhỏ và chim. Tuy nhiên, đã có trường hợp phải đi cấp cứu tại TP. Hồ Chí Minh vì bị bắn bằng loại súng tự chế này. Riêng loại súng này thời gian qua Công an huyện đã tịch thu 15 khẩu trên địa bàn 4 xã.

Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Chư Prông-Lê Bá Tỏa cho biết: “Trong thời gian tới, Công an huyện tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm tra, vận động, tuyên truyền công dân giao nộp VK-VLN-CCHT, tập trung địa bàn các xã Ia Piơr, Ia Mơr, Ia Puch, Ia Ga. Đồng thời, sẽ tiến hành vận động cá biệt đối với 36 công dân có khả năng đang tàng trữ trái phép vũ khí”.

Hồng Sơn

Có thể bạn quan tâm

Kbang: 2 xe máy tông nhau, 1 người tử vong

Kbang: 2 xe máy tông nhau, 1 người tử vong

(GLO)- Khoảng 18 giờ 10 phút ngày 25-4, tại km 302, đường Trường Sơn Đông, thuộc khu vực làng Brock, xã Đông (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe mô tô khiến 1 người tử vong.