(GLO)- Đồng Minh Tuấn được sinh ra tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi nhưng lại lớn lên trên mảnh đất Nghĩa An, huyện Kbang vì mới 2 tuổi đã được bố mẹ đưa vào vùng kinh tế mới. Cuộc sống chật vật lo từng bữa ăn luôn ám ảnh Tuấn nhưng vì còn nhỏ nên cậu chỉ biết theo bố mẹ lên rẫy. Lên lớp 9, Tuấn phải nghỉ học để có nhiều thời gian phụ giúp bố mẹ. Thấy cha mẹ quanh năm vất vả mà cuộc sống vẫn khó khăn, Tuấn mạnh dạn bàn với bố mẹ thay đổi cây trồng, chuyển sang trồng dưa hấu, mía hay mì cao sản… nhưng vì vốn đất ít lại không có tiền nên bố mẹ không cho Tuấn thử nghiệm vì sợ bỏ cây lúa, cây bắp thì cả nhà sẽ đói.
Đến năm 2008, Tuấn lập gia đình và ra ở riêng. Cuộc sống hai vợ chồng hết sức khó khăn, không có vốn, đất sản xuất thì ít ỏi. Vì thế vợ chống Tuấn đã vay của ngân hàng 30 triệu đồng, vay mượn thêm của cha mẹ, anh chị em, bạn bè mua thêm được 2 ha đất trồng bắp lai, đậu xanh, lúa rẫy. Chưa dừng lại ở đó, Tuấn bàn với vợ dồn hết vốn liếng, tiếp tục vay ngân hàng đầu tư mua xe tải vận chuyển mía cho bà con. Cái lý của Tuấn là diện tích trồng mía trên địa bàn xã rất nhiều nhưng bà con chỉ dùng xe độ chế để chuyên chở tốn rất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến thời vụ mà chi phí lại cao.
Ảnh: Nguyễn Giang |
Không ngờ đường hướng làm ăn này của Tuấn thành công, bà con tin tưởng giao cho Tuấn việc thu hoạch, chuyên chở. Từ đó, Tuấn thành lập luôn tổ thu hoạch mía, thường xuyên tạo việc làm cho hơn 30 thanh niên trong thôn. Việc sản xuất của gia đình cũng ngày một khấm khá và mua thêm 2 ha đất. Anh bỏ hoàn toàn các loại cây ngắn ngày, đi học hỏi kinh nghiệm của bà con về trồng mía và dưa hấu trên diện tích 5 ha của gia đình. Từ đây, chàng trai trẻ Đồng Minh Tuấn đã được đứng trong hàng ngũ những người làm kinh tế giỏi của xã Nghĩa An.
Những con số về thu nhập hàng năm của gia đình Tuấn quả là đáng nể. Nếu như năm 2009, thu nhập sau khi trừ toàn bộ chi phí sản xuất là 60 triệu đồng thì đến năm 2011, con số ấy tăng lên 120 triệu đồng và đến năm 2012, mức thu nhập của gia đình Tuấn đã tăng lên 250 triệu đồng. Tâm sự với chúng tôi, Tuấn khiêm tốn: “Nhờ vào đất cả thôi, tấc đất tấc vàng mà”. “Có đất là có tất cả”, phương châm ấy đã được thủ lĩnh Đồng Minh Tuấn truyền lại cho các đoàn viên, thanh niên của mình. Phải biết quý đất thì mới có thể phát triển. Thế nên, trong những năm gần đây không còn có chuyện lớp thanh niên trai tráng bỏ đi làm thuê, làm mướn ở những vùng đất xa xôi. Họ ở lại, bám trụ vào đất để phát triển kinh tế.
Với sự hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm sản xuất cũng như kỹ thuật trồng dưa hấu, mía cao sản… của thủ lĩnh Đồng Minh Tuấn, nhiều thanh niên trong thôn đã có cuộc sống khấm khá, giàu lên nhờ đất. Bên cạnh đó, Tuấn đã tạo việc làm hàng năm cho trên dưới 30 thanh niên để họ có thu nhập ổn định.
Nói về gương thanh niên làm kinh tế giỏi Đồng Minh Tuấn, anh Bùi Văn Hiếu-Bí thư Xã đoàn Nghĩa An nhận xét: “Tuấn là một người còn trẻ nhưng kinh tế rất vững vàng, nhạy bén trong việc làm ăn. Ngoài ra, Tuấn còn là một cán bộ Đoàn năng nổ, luôn giúp đỡ anh em khi gặp khó khăn”.
Nguyễn Giang