(GLO)- Thời gian qua, dù tỉnh Gia Lai đã có nhiều việc làm để hỗ trợ người tâm thần trong việc điều trị, chăm sóc, song đối với bệnh tâm thần phải điều trị lâu dài và suốt cuộc đời, do vậy, họ rất cần một cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng chuyên biệt.
Nỗi lòng người thân
Đưa con trai Hoàng Văn H. (SN 1993) tới Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh điều trị, ông Hoàng Văn Dư-cha ruột của H. (ở xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) buồn rầu nói: “Sau ngày khai giảng năm học lớp 8, H. đang rất bình thường khỏe mạnh, ngoan hiền nhưng không biết vì lý do gì, cháu lại có biểu hiện không bình thường về tâm lý. Lúc thì ngồi lì trong phòng đóng cửa hàng giờ liền, không nói chuyện với ai, có lúc lại nổi cáu, cục cằn với mọi người một cách vô cớ. Nhưng đáng lo nhất là cháu đập phá đồ đạc trong nhà và rất hay thức dậy đi lang thang vào ban đêm, trong khi tuổi cháu đang là tuổi ăn, tuổi ngủ. Thấy cháu có biểu hiện lạ, gia đình đưa cháu đến bệnh viện điều trị, các bác sĩ chẩn đoán, cháu bị mắc chứng trầm cảm, não có biểu hiện bất bình thường nên dẫn đến bị động kinh, đập phá đồ đạc, không làm chủ được bản thân. Sau mỗi lần điều trị, dù cháu bình thường trở lại nhưng trí nhớ của cháu rất kém. Có lần cháu tự lấy xe máy đi lòng vòng, sau đó để xe máy vào lô cà phê gần nhà. Khi tôi hỏi xe máy đâu, cháu nói không biết. Thấy cháu bị vậy, gia đình tôi buồn lắm cô ơi!”.
Bác sĩ Thanh (ở giữa) đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Đ.Y |
Trước buồng bệnh số 07, chúng tôi bần thần khi nhìn thấy cảnh tượng một người đàn bà cầm từng mẩu bim bim đưa vào miệng cho người đàn ông ăn. Ánh mắt của người đàn ông lờ đờ, nhìn chị không một chút biểu lộ tình cảm. Chị là Rơ Mah Boi, là vợ của người đàn ông này. Chị Boi kể: Chồng chị bị như thế này cách đây 10 năm rồi. Năm 2003, hai vợ chồng lấy nhau, anh bình thường, khỏe mạnh, nhưng khi sinh đứa con đầu vào tháng 6-2004 thì không hiểu sao anh lại có những biểu hiện lạ, như: hay hát một mình, đi lang thang ngoài đường. Gia đình đưa anh vào bệnh viện điều trị, một thời gian anh bình thường trở lại. Nhưng 2 năm trở lại đây, bệnh anh tái phát nặng, có lần anh còn đuổi đánh người đang đi đường”-chị Boi chia sẻ.
Cần lắm một cơ sở chăm sóc người tâm thần chuyên biệt
Theo số liệu điều tra, tính đến tháng 5-2015, trên địa bàn tỉnh có 1.794 đối tượng bị tâm thần và rối nhiễu tâm trí, trong đó có 1.285 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng. Toàn tỉnh có 238 đối tượng tâm thần, gia đình có nguyện vọng được đưa vào chăm sóc và phục hồi chức năng. Song hiện nay, tỉnh ta chưa có trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần chuyên biệt, nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần.
Bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh-Trưởng khoa Điều trị nam, Trưởng khoa Tổng hợp chỉ đạo tuyến-Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh-cho biết: Bệnh tâm thần hoàn toàn có thể điều trị được. Đối với một số bệnh tâm căn, như: trầm cảm, lo âu, nếu được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh có thể bình phục hoàn toàn. Còn đối với nhóm bệnh loạn thần, có thể phải điều trị theo từng đợt cấp và theo suốt cuộc đời. Người mắc bệnh tâm thần khi lên cơn thường rất hung dữ, đập phá đồ đạc, đi lang thang, thậm chí là rượt đuổi mọi người xung quanh để đánh. Nhưng chỉ sau khi điều trị 3 ngày, bệnh nhân hết trạng thái kích động trở lại người bình thường, rất hiền lành. Khi ấy, bệnh viện cho bệnh nhân về điều trị ngoại trú. Hiện nay, tỉnh ta đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh giao thuốc về các Trung tâm Y tế huyện, huyện giao về các Trạm Y tế xã và Trạm Y tế xã có đội ngũ y tế thôn, làng sẽ làm nhiệm vụ phát thuốc đến từng hộ gia đình có người bệnh.
Tuy nhiên, do nhiều gia đình chưa có kiến thức về chăm sóc sức khỏe người tâm thần nên khi thấy người bệnh có biểu hiện bình thường là tự ý bỏ uống thuốc không điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, vì thế, người bệnh thường bị tái phát nhiều lần trở thành mãn tính và mỗi lần tái phát thì bệnh có xu hướng nặng lên, nguy cơ đe dọa gây nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng và chính bản thân người bệnh. Trao đổi với P.V xung quanh vấn đề này, bác sĩ Chuyên khoa I, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh Võ Đình Hiệp, cho biết: Bệnh viện Tâm thần kinh có nhiệm vụ điều trị nội trú với những bệnh nhân ở trạng thái cấp tính và nặng; khi bệnh nhân ổn định sẽ cho ra viện để điều trị ngoại trú. Vì những khó khăn nêu trên, nếu tỉnh có một cơ sở chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần chuyên biệt thì sau khi bệnh viện điều trị cho người bệnh tâm thần ổn định, người nhà bệnh nhân chỉ cần đưa bệnh nhân vào cơ sở nuôi dưỡng. Khi ấy, người bệnh được sống trong môi trường chung với người bệnh, họ sẽ dễ hòa nhập hơn và gia đình cũng đỡ gặp khó trong việc chăm sóc điều trị cho người tâm thần tại nhà như hiện nay.
Đinh Yến