Cả năm làm lụng tất bật thì ăn và chơi là hai việc được quan tâm nhiều trong dịp Tết. Năm nay, việc chúc Xuân xem ra đã nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều. Có một lí do đơn giản là vào dịp Tết Canh Dần này, rượu vang và bia được dùng đại trà, át hẳn rượu mạnh. Việc chơi của người Pleiku năm nay cũng có một nét rất mới, nhiều người, nhất là các bạn trẻ, đã chọn quán cà phê làm điểm hẹn.
Khi mà mỗi nhà thường chỉ có một căn phòng để tiếp khách (của “ông bà già”) thì quán cà phê thoáng mát được các bạn trẻ lựa chọn như một lẽ đương nhiên. Ở đó, sự “ăn nói” của họ với những người đồng trang lứa được tự do, thoải mái hơn. Mặt khác, bên cạnh lí do “lâu ngày mới gặp”, ai chẳng có chuyện riêng để tâm sự, trao đổi. Và đây chính là nơi mà những người trẻ có thể thực hiện điều đó một cách dễ dàng.
Có một điều đáng lưu ý là phần đông, nếu không muốn nói là hầu hết các bạn trẻ đến với cà phê trong dịp này đều thể hiện thái độ văn minh, lịch sự. Có thể họ là sinh viên từ khắp nơi về Pleiku ăn tết, có thể họ là thợ thuyền, là những người làm nông đến từ vùng ngoại ô,… song điểm chung giữa họ là luôn vui vẻ, và dù có thể nào đi chăng nữa thì cũng không để xảy ra cãi cọ, xô xát. Điều này là một niềm vui lớn cho tất cả mọi người. Các quán cà phê lớn, có Internet không dây đã thu hút một lượng khách đáng kể khi rất nhiều người trẻ vẫn tiếp tục “soi” màn hình máy tính một cách chăm chỉ như thường. Đây là những người tranh thủ thời gian nghỉ để… làm việc.
Trong niềm vui, tôi chợt nghĩ rằng một “hệ thống” quán cà phê đẹp và lịch sự ở Pleiku đã góp phần làm nên điều đó. Trừ những quán nhỏ, coi cà phê như một sự làm thêm, bán cầm chừng, hầu hết các quán cà phê uy tín ở Pleiku đã từng bước hình thành cho mình những “phong cách” riêng trong phục vụ. Với một không gian được chăm bẵm kĩ lưỡng, đội ngũ tiếp viên trẻ trung, năng động và phục vụ nhiệt tình, chuyên nghiệp, các quán cà phê đã và đang thu hút về phía mình một lượng khách đáng kể.
|
Sự chuyên nghiệp ấy được đánh giá không chỉ ở cách bưng tách cà phê, bộ đồng phục mà ngay cả ở cách giữ xe cho khách. Đây thực sự là một tín hiệu vui cho “văn hóa cà phê Pleiku”. Nếu nghĩ xa xôi hơn một chút, người ta sẽ chợt nhớ ra rằng, Pleiku xưa từng nổi tiếng với những “thương hiệu” cà phê, nói theo các bạn trẻ là “không đụng hàng”, ví như Dinh Điền, Tay Trái, Văn, Tùng, Nhung,… Ngày nay, một số ít tên quán cũ vẫn được sử dụng lại, dù chủ nhân đã đổi khác, cách phục vụ và hương vị cà phê cũng không còn giống trước. Một người lớn tuổi kể tôi nghe về cái cảm giác sung sướng thế nào khi được ngồi ghế nệm, nghe nhạc dìu dặt, thưởng thức cà phê Kim Liên (nay quán vẫn còn), sự sảng khoái ra sao khi lâu lâu được nhấp “ngụm đắng” ở cà phê Thu Hà (đang là một thương hiệu mạnh),… nhiều chục năm về trước.
Tôi không ngạc nhiên về điều đó, quan trọng hơn, cái thời khó khăn ấy (mời nhau li cà phê sao mà khó) đã qua rồi. Bây giờ, chỉ cần đảo qua vài con đường nho nhỏ của đô thị này thôi, người ta đã thấy hàng chục quán cà phê sang trọng, qui mô không hề kém cạnh bất cứ thành phố nào trong nước. Con đường Wừu với hàng chục quán đã được mệnh danh là “phố cà phê” với những tên gọi gợi cảm: Anan, Chưa đặt tên, Đùng Đình, Hình Như Là, Hoàng Lan,… ở đường Thống Nhất là các quán nổi tiếng Hạ Vàng, Đen hoặc gần đó là Hoàng Lan,… đã mang lại cho phố núi một nét riêng, mà chẳng phải nơi nào có tiền, có cà phê là có thể làm được như vậy.
Pleiku đã và đang hình thành một giá trị có thể tạm gọi là “văn hóa cà phê”. Các thương hiệu nhà quán và thương hiệu nhà sản xuất đã và đang nương tựa vào nhau để làm nên một nét riêng cho miền đất này. Nhiều người trong cuộc cảm thấy hài lòng khi biết rằng lác đác đã có một số thương hiệu cà phê ngoại tỉnh khá nổi tiếng len lỏi vào thị trường này nhưng chưa thực sự chiếm lĩnh được lòng người Pleiku. Ở một hướng khác, một số nhà sản xuất, chế biến cà phê của Pleiku trong suốt hàng chục năm qua đã bằng mọi cách quảng bá sản phẩm của phố núi đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước một cách hiệu quả.
Tình hình trên cho phép có thể dự báo được một viễn cảnh tươi đẹp trong việc kinh doanh cà phê tại miền đất giàu có tiềm năng này.
Nguyễn Quang Tuệ