"Cà phê tặc" sẽ không còn đất sống tại Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cà phê là tài sản quý giá nhất của người nông dân Đắk Nông sau một mùa vụ vất vả, khổ cực. Thế nhưng, hạt cà phê lúc này lại đang nằm ở ngoài vườn, rẫy, không có người trông coi, bảo vệ. Thấu hiểu được điều này, các cấp chính quyền địa phương đã và đang triển khai lực lượng, ngày đêm canh gác, bảo vệ tài sản cho người dân để có một mùa vụ được trọn vẹn.  

Các lực lượng chức năng ở Đắk Nông tổ chức tuần tra, kiểm soát, bảo vệ cà phê cho người dân. Ảnh: MQ
Các lực lượng chức năng ở Đắk Nông tổ chức tuần tra, kiểm soát, bảo vệ cà phê cho người dân. Ảnh: MQ
Phân chia địa bàn bảo vệ tài sản giúp nông dân
Những ngày này, cây cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang vào mùa chín rộ. Thế nên, cả ngày lẫn đêm, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tục lên đường tuần tra, bảo vệ rẫy cà phê, tài sản quý giá của người dân sau một mùa vụ đổ bao công sức “mồ hôi, nước mắt”.
Đơn cử như xã Đức Minh (huyện Đắk Mil) có hơn 2.100ha cà phê. Ở địa phương này, từ năm 1993 địa phương đã thành lập các tổ bảo vệ cà phê. Hơn 28 năm qua, mô hình này luôn được Công an xã chủ trì, duy trì hoạt động hiệu quả.
Vụ thu hoạch cà phê năm nay, toàn xã thành lập 8 tổ bảo vệ cà phê (mỗi tổ có từ 3 thành viên trở lên). Các tổ này có nhiệm vụ bảo vệ trên 150ha cà phê ở những vùng phức tạp, dễ xảy ra mất cắp. Đều đặn mỗi ngày, 7 tổ bảo vệ cà phê trực tiếp có mặt tại nương rẫy của người dân, 1 tổ cơ động tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường ra vào xã.
Ngay sau khi thành lập, các tổ bảo vệ cà phê đều công khai thông báo số điện thoại cho người dân để liên lạc khẩn cấp khi có sự việc xảy ra. Cụ thể như tổ Hầm Đá đang nhận nhiệm vụ bảo vệ 40ha cà phê nằm trên địa bàn thôn Thanh Lâm. Đây là địa bàn giáp ranh với khu vực đông dân cư, đường giao thông đi vào rẫy thuận tiện… nguy cơ bị mất trộm cao. 
Do chủ động và vào cuộc ngay từ đầu vụ nên đến nay tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo, không để xảy ra bất cứ vụ mất trộm cà phê nào. Thiếu tá, Đồng Thị Lâm,  Trưởng Công an xã Đức Minh cho biết, từ đầu mùa vụ thu hoạch cà phê tới nay, 7 tổ bảo vệ cà phê đều bảo đảm số lượng, có mặt đầy đủ, túc trực suốt ngày đêm tại rẫy cà phê của người dân.
Trung bình mỗi ngày, các thành viên trong tổ đi bộ trên 15km để phát hiện những đối tượng lạ mặt không có phận sự xuất hiện trong rẫy cà phê. Đêm về, các thành viên cũng đi kiểm tra thực tế tại các khu vực mà người dân đăng ký bảo vệ để đề phòng tình huống có kẻ xấu đột nhập.
Ông Trần Xuân Hoàng, một hộ dân ở xã Đức Minh cho biết: “Vụ mùa năm nay, gia đình đăng ký với tổ bảo vệ trông coi 1,5ha cà  phê. Từ đầu vụ thu hoạch  tới nay, vườn cà phê của gia đình không hề xảy ra tình trạng bị mất trộm”.
Chủ động ngăn ngừa tội phạm
Đắk Mil là "thủ phủ" của tỉnh Đắk Nông với diện tích hơn 21.000ha. Trung tá Nguyễn Xuân Đức,  Trưởng Công an huyện Đắk Mil cho biết, hằng năm cứ đến mùa thu hoạch, trên địa bàn huyện thu hút hàng ngàn lao động từ khắp nơi đổ về hái thuê cà phê. Đây cũng là thời điểm kẻ xấu thường lợi dụng, trà trộn để trộm cắp tài sản.
Để phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, Công an huyện Đắk Mil đã phát huy hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm như: “Tổ Bảo vệ cà phê”, “Tổ an ninh trật tự”... nhằm đấu tranh, phòng, chống tội phạm.
Mặt khác, đơn vị còn triển khai cho các chủ cơ sở thu mua cà phê ký cam kết không thu mua các sản phẩm cà phê non, cà phê không rõ nguồn gốc, tích cực phát hiện, tố giác các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến trộm cắp và tiêu thụ tài sản trộm cắp....  
"Trong công tác chuyên môn, các đội nghiệp vụ, công an các xã, thị trấn cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ngoài ra, lực lượng này cũng tập trung siết chặt công tác quản lý cư trú, lưu trú đối với người lao động tự do ở nơi khác đến địa bàn làm thuê thời vụ. Tất cả đều hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo vệ sự bình yên của người dân trong mùa vụ thu hoạch cà phê” - Trung tá Đức bày tỏ quyết tâm.
PHAN TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm