Biển Đông không có bão, tháng 8 có bất thường?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
Tháng 8 năm 2024 là lần thứ 6 trong vòng 61 năm Biển Đông không có bão/áp thấp nhiệt đới trong tháng này.

Biển Đông vừa trải qua một tháng 8 yên bình khi không xuất hiện một cơn bão hay áp thấp nhiệt đới nào. Đây là điều rất hiếm bởi tính từ năm 1963 tới nay, chỉ có 5 năm tháng 8 không xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Đó là các năm 1980, 1985, 1988, 2011, 2015.

Biển Đông không có bão trong tháng 8

Biển Đông không có bão trong tháng 8

Theo các chuyên gia khí tượng, đây là điều khá bất thường trong bối cảnh chuyển pha từ trung tính sang La Nina. Việc Biển Đông không có bão trong tháng 8 cũng liên quan một phần từ vùng tây bắc Thái Bình Dương. Trong tháng 8, khu vực này xuất hiện 6 cơn bão liên tiếp là Maria, Sơn Tinh, Ampil, Wukong, Jongdari, Shanshan.

Trước đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng đưa ra nhận định, trong tháng 8, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông ít hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.

Theo dự báo, hiện tượng La Nina có thể bắt đầu trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 năm nay với xác suất 60 - 70%. Sau đó, tiếp tục duy trì trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 với xác suất trong khoảng 70 - 80%.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới từ nay đến cuối năm trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn TBNN (TBNN khoảng 6 - 7 cơn).

Trong đó, số cơn bão đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn (TBNN có khoảng 3 - 4 cơn), tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và các tỉnh phía nam.

Ông Khiêm lưu ý, do vừa trải qua giai đoạn El Nino từ năm 2023 nên nền nhiệt trên nước biển rất cao. Về mặt lý thuyết, nhiệt độ biển càng cao thì năng lượng hình thành dễ hơn, đây là yếu tố bất lợi tạo ra những cơn bão ngay trên Biển Đông.

Các nghiên cứu của cơ quan khí tượng thế giới đều cho rằng, năm nay sẽ xuất hiện nhiều bão mạnh (từ cấp 11 - 12 trở lên). Bởi nền nhiệt trên nước biển rất cao khiến bão dễ hình thành và hình thành trong điều kiện có La Nina nữa thì có thêm hệ thống xoáy.

"Đây là những căn cứ để chúng tôi đánh giá trạng thái bão năm nay ở mức xấu, bất ngờ, mạnh", ông Khiêm cho biết.

Biển Đông thời tiết xấu dịp 2.9

Hiện nay, ở đảo Phú Quý và vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông đã có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7.

Dự báo, ngày và đêm 1.9 vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8; biển động. Sóng biển cao 1,5 - 3 m.

Vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8; biển động. Sóng biển cao 1,5 - 3 m.

Ngoài ra, ở khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa); vùng biển phía đông của khu vực bắc và giữa Biển Đông, vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7 - cấp 8, đề phòng độ cao sóng có lúc tăng lên trên 2 m.

Cảnh báo, ngày và đêm 2.9, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió tây đến tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8, biển động; sóng biển cao từ 1,5 - 2,5 m.

Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển là cấp 2. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.

Theo Đình Huy (TNO)

Có thể bạn quan tâm