(GLO)- Trong hai ngày (4 và 5-4), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Dương Văn Trang đã đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang), trực tiếp khảo sát và nghe các đơn vị báo cáo nhằm tìm cách tháo “nút thắt” cho ngành Du lịch. Bí thư Tỉnh ủy đã có những chỉ đạo thực tế, cụ thể và giao nhiệm vụ cho các đơn vị bằng mọi cách phải tạo chuyển biến để đưa Gia Lai trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch Tây Nguyên.
“Rừng mà không có thì ai tới”
abc |
Tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, trong chuyến khảo sát cùng với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Công ty cổ phần Gia Lai CTC và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã dành nhiều thời gian để trực tiếp quan sát thực tế. Bí thư Tỉnh ủy nói trong cuộc làm việc: “Tôi đã từng đến Vườn Quốc gia này nhiều lần. Trước đây, các dãy núi sát nhà làm việc của Ban Quản lý rừng mọc sát bìa rẫy nhưng hôm nay tới đây thì đã thay đổi nhiều. Tôi đi dạo một vòng và thấy rừng bị phá lên đến lưng chừng núi rồi. Hôm nay, chúng ta họp ở đây để bàn về du lịch sinh thái, nhưng rừng mà cứ bị phá như thế thì du khách người ta tới để làm gì?”.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ ba từ trái sang) cùng các thành viên trong đoàn khảo sát tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: L.D.N |
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho biết, hiện nay, rừng ở Kon Ka Kinh là một trong những tài sản đang được yêu cầu giữ nghiêm. Nhiều năm nay, tình trạng người dân ở nơi khác lén vào rừng săn bắn, người dân đốt rừng làm rẫy đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Dù nhân lực Vườn Quốc gia chỉ chưa tới 100 người nhưng đang gồng mình quản lý, bảo vệ một diện tích rộng lớn từ Mang Yang kéo qua đến tận huyện Kbang.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cũng cho biết: Hiện nay, kinh phí cấp để phục vụ trồng lại rừng còn hạn chế. Vườn Quốc gia đang cần kinh phí để phủ lại một số diện tích đã bị người dân xâm chiếm, trồng trọt trái phép. “Ban Quản lý đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh được sử dụng số tiền 1,7 tỷ đồng hiện đang giữ tại Sở Tài chính để làm kinh phí trồng rừng. Đây là số tiền từ khoản đấu giá 2 cây gỗ hương cổ thụ bị chặt phá trái phép trước đây, đã được cơ quan pháp luật làm rõ và truy tố. Số tiền này sẽ trực tiếp giao về cho dân để trồng lại rừng”-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh Nguyễn Văn Hoan nói.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phan Xuân Vũ cho biết, theo tinh thần cuộc họp xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bình Định diễn ra vào ngày 1-4, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã đồng ý để 4 tỉnh gồm: Gia Lai, Đak Lak, Bình Định, Phú Yên ký kết quy chế phối hợp, hợp tác đầu tư du lịch. Nhiều năm nay, du lịch của Gia Lai đang khó khăn vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Dù nhiều tiềm năng nhưng doanh thu từ du lịch hàng năm chỉ đạt 200 tỷ đồng. “Đây là điều làm chúng tôi rất trăn trở. Tôi đã trình bày điều này với Bí thư Tỉnh ủy và được ông trực tiếp chỉ đạo mời các chuyên gia giỏi trong ngành về để tham vấn làm sao đưa du lịch Gia Lai đổi mới. Các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều gợi mở có giá trị, trong đó nội dung thiết thực nhất là hướng đến du lịch sinh thái, tận dụng tiềm năng rừng, khí hậu, môi trường”-ông Vũ cho biết.
Ông Vũ cho biết thêm, Tập đoàn FLC đang đầu tư rất mạnh vào du lịch Bình Định bằng một chuỗi khách sạn cao cấp, resort… Bình Định kỳ vọng sẽ đón trên dưới 5 triệu du khách hàng năm. Hướng đi của Gia Lai là sẽ liên kết với Bình Định, Phú Yên để tạo thành chuỗi du lịch “lên rừng xuống biển”, giữ du khách ở lại lâu hơn, tạo thêm sản phẩm và quảng bá vùng đất giàu tiềm năng của tỉnh. “Chỉ cần đón được 1 triệu trong tổng số 5 triệu du khách của Bình Định thì chúng ta cũng đã thành công rồi”-ông Vũ nói.