Với vai trò là đại biểu dân cử, những năm qua, các vị đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh luôn sâu sát cơ sở, bám dân, gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri trong tỉnh.
Từ đó, cùng với chính quyền địa phương có những đề xuất, kiến nghị tâm huyết, cấp bách và được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết, góp phần gỡ “nút thắt” cho Gia Lai phát triển.
Là đại biểu HĐND tỉnh 3 khóa liên tiếp, ông Vũ Tiến Anh-Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai luôn là đại biểu có nhiều tâm huyết đối với sự phát triển của tỉnh nhà.
“Gia Lai có đất đai rộng lớn, màu mỡ có nhiều tiềm năng phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Gia Lai thiếu những công trình thủy lợi quy mô lớn và hệ thống kênh mương kiên cố, nếu vấn đề này không sớm được giải quyết thì Gia Lai sẽ trở thành vùng “đất chết”...”-đại biểu Vũ Tiến Anh trăn trở.
Trước những “rào cản” kìm hãm sự phát triển của tỉnh Gia Lai cũng như những vấn đề nóng, bức xúc trong thực tiễn được dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm, nhiều vấn đề, nguyện vọng mà cử tri gửi gắm đã được Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND tỉnh theo đuổi đến cùng.
Từ những ý kiến tâm huyết của cử tri, chính quyền địa phương được các vị ĐBQH, HĐND tỉnh tiếp nhận, tổng hợp và đưa ra bàn luận, kiến nghị tại nghị trường đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ghi nhận và quan tâm tháo gỡ “nút thắt” về nguồn nước sản xuất cho nông nghiệp Gia Lai phát triển.
Công trình thủy lợi “ý Đảng, lòng dân” Plei Keo (xã Ayun, huyện Chư Sê) là một trong những “nút thắt” quan trọng được tháo gỡ.
Từ những trăn trở của cử tri, sự đeo bám, kiến nghị của ĐBQH tỉnh và đại biểu HĐND các cấp qua nhiều năm, nhất là trong chuyến thăm, làm việc với hệ thống chính trị xã Ayun của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2017. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn để sớm triển khai Dự án thủy lợi Plei Keo để “gỡ nút thắt” về nguồn nước tưới nhằm giúp xã Ayun anh hùng bứt phá.
Sau 2 năm triển khai thi công, thủy lợi Plei Keo đã hoàn thành và đưa dòng nước sông Ayun lên bờ tưới mát cho những cánh đồng khô cằn ngày nào.
Là người con của mảnh đất Ayun anh hùng, ông Siu Bli-Phó Bí thư Đảng ủy xã (đại biểu HĐND xã Ayun 3 nhiệm kỳ liên tiếp), phấn khởi sau nhiều lần chuyển tải kiến nghị của cử tri, xã đã có công trình thủy lợi như kỳ vọng.
“Chúng tôi rất mừng vì sau nhiều năm kiên trì phản ánh, kiến nghị thì nguyện vọng của cử tri xã vùng khó Ayun cũng được các cấp chính quyền, Đảng và Nhà nước thấu hiểu, giải quyết.
Từ một vùng đất khô cằn, thiếu nước sản xuất, thường xuyên xảy ra đói giáp hạt nay người dân đã biết sản xuất lúa nước 2-3 vụ. Những mùa vàng đã và đang đem lại sự đổi thay cho người dân chúng tôi”-Phó Bí thư Đảng ủy xã vui mừng bảy tỏ.
Cho rằng công trình thủy lợi Plei Keo là “cú hích” lớn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, già làng Đinh A Nhur (73 tuổi, làng Achông) vui mừng cho biết: “Bà con nhân nhân chúng tôi rất hạnh phúc khi những mong mỏi đưa nước sông Ayun lên bờ đã được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện”-già làng A Nhur vui mừng.
Còn ông Dương Mạnh Mẫn-Chủ tịch HĐND huyện Chư Sê-khẳng định: “Công trình thủy lợi Plei Keo không chỉ dẫn nguồn nước tắm mát các cánh đồng ở Ayun mà mà còn khơi thông nếp nghĩ, thay đổi cách làm cố hữu của hàng trăm gia đình đồng bào Jrai, Bahnar nhiều thế hệ ở nơi đây. Bà con dần từ bỏ lối canh tác cũ, phụ thuộc vào nước trời; thay vào đó là thâm canh, làm lúa từ 2 vụ/năm trở lên.
Nhờ vậy, bà con không những xóa được cái đói, giảm được nghèo mà còn vươn lên khá; nếu như trước năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 80% thì nay chỉ còn khoảng 22%”.
Phát triển Tây Nguyên bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ xuyên suốt trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển các địa phương trong vùng và cả nước. Đây là quan điểm được Bộ Chính trị khẳng định tại Nghị quyết 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính vì vậy, ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh luôn lắng nghe, tiếp nhận và chuyển tải nhiều ý kiến tâm huyết lên nghị trường. Từ đó, Trung ương, tỉnh Gia Lai đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư các công trình đường giao thông kết nối trọng điểm, góp phần khơi thông “điểm nghẽn” đã kìm hãm sự phát triển của nhiều địa phương trong tỉnh.
Có thể kể đến tuyến đường huyết mạch nối trung tâm huyện Chư Prông đi xã biên giới Ia Mơ (tỉnh lộ 665). Trước đây, để vào được Ia Mơ rất gian truân, bởi toàn bộ đường đất rất lầy lội và trơn trượt. Chính vì giao thông cách trở, thiếu kết nối nên đã kìm hãm sự phát triển của xã vùng biên vốn đã gặp nhiều khó khăn này.
Bộ mặt nông thôn 5 xã Đông sông Ba (huyện Krông Pa) cũng như nhiều địa phương thuộc các huyện, thị xã ở khu vực Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai đã và đang đổi thay nhanh chóng kể từ khi đường Trường Sơn Đông được đầu tư và đưa vào sử dụng.
Đặc biệt, các cây cầu bắc qua sông Ba như: Phú Cần, cầu dân sinh Ia Rmok đã tạo cú hích lớn trong phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương. Nhân dân các xã phấn khởi vì không còn tình trạng chia cắt mỗi khi đến mùa mưa bão hay nông sản làm ra không bán được hoặc bị thương lái ép giá do vận chuyển khó khăn.
Ông Ksor Thuynh (buôn Ia Klon, xã Ia Rmok) phấn khởi: “Chúng tôi rất vui, phấn khởi khi những ý kiến, mong mỏi của người dân đã được các cấp quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện hạ tầng giao thông.
Đặc biệt, các cây cầu bắc qua sông Ba thay thế những cây cầu tạm trước đây đã giúp người dân đi lại an toàn, nhất là hàng hóa, nông sản làm ra bán được giá cao hơn, đời sống người dân chúng tôi từ đó cũng được nâng lên đáng kể”.
Đặc biệt, để mở lối phát triển cho các địa phương phía Tây tỉnh, qua những cuộc tiếp xúc cử tri, các ĐBQH tỉnh, HĐND các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận, tổng hợp ý kiến nhân dân để thường xuyên có những kiến nghị hoặc đưa ra nghị trường đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực này. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, các tuyến đường liên huyện: Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông và Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông đã được đầu tư và đưa vào sử dụng.
Qua đó, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông của tỉnh, tạo thành mạng lưới đường giao thông liên huyện khép kín phía Tây tỉnh, kết nối, tạo động lực giúp kinh tế-xã hội 6 huyện, gồm: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh cất cánh.
Trao đổi với P.V, ông Dương Mạnh Mẫn-Chủ tịch HĐND huyện Chư Sê-cho biết: Cùng với đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông, HĐND tỉnh, huyện cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhiều tuyến giao thông huyết mạnh trên địa bàn nối các địa phương trong huyện. Cụ thể như: Nâng cấp đường liên xã nối các địa phương Chư Pơng-Ia Tiêm-Bờ Ngoong-Bar Maih-Kông Htok-Ayun; mở rộng đường liên xã Ia Glai đi Ia Hlốp; xã Dun đi Al Bă; Bờ Ngoong đi xã Dun; Ia Hlốp đi xã Ia Vê (huyện Chư Prông)…
“Từ việc đầu tư, nâng cấp mở rộng các tuyến đường như trên đã tạo điều kiện thuận lợi đi lại, giao thương kết nối giữa các xã với trung tâm thị trấn Chư Sê, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn cũng như giải quyết được các kiến nghị của cử tri quan tâm”-Chủ tịch HĐND huyện Chư Sê thông tin.