120 triệu lao động toàn cầu cần đào tạo lại vì robot

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khảo sát của IBM cho rằng hơn 120 triệu lao động trên thế giới sẽ cần được đào tạo lại trong ba năm tới, vì tác động của trí tuệ nhân tạo lên công ăn việc làm.
 
Người lao động phổ thông có thể bị ảnh hưởng bởi robot trong tương lai. Ảnh: Reuters
Theo Bloomberg, đây là mối lo ngại hàng đầu của nhiều nhà tuyển dụng, những người cho biết thiếu hụt nhân tài là một trong các mối đe dọa lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay.
Việc đào tạo ngày nay cần thời gian dài hơn trước. Hồi năm 2014, nhân viên chỉ cần ba ngày đào tạo để thu hẹp khoảng cách kỹ năng song giờ đây họ cần đến 36 ngày. Một số kỹ năng mất nhiều thời gian hơn để phát triển vì chúng có bản chất hành vi hơn, chẳng hạn như kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp hay kỹ năng kỹ thuật cao, chẳng hạn như khoa học dữ liệu.
"Đào tạo lại kỹ năng công nghệ thường được thúc đẩy bởi giáo dục có cấu trúc với mục tiêu xác định, với khởi đầu và kết thúc rõ ràng. Việc xây dựng kỹ năng hành vi thì cần nhiều thời gian hơn, phức tạp hơn", Amy Wright - Giám đốc quản lý nhân tài của IBM, chia sẻ.
Các kỹ năng hành vi như khả năng làm việc tốt trong nhóm, khả năng giao tiếp, sáng tạo và đồng cảm được phát triển tốt nhất thông qua kinh nghiệm thay vì các chương trình học thông thường. Ngày nay, các nhà tuyển dụng kêu gọi nhân viên tập trung hơn vào các kỹ năng mềm như giao tiếp, sáng tạo thay vì kỹ thuật. Kỹ năng hành vi giờ đây được xem là rất quan trọng từ cả mặt kỹ thuật số lẫn kỹ thuật.
Tiến bộ từ ngành trí tuệ nhân tạo (AI) không những thay thế công ăn việc làm mà còn tạo ra việc làm mới. Thách thức ở đây là nâng cao kỹ năng nhân viên để có nguồn nhân sự cho các việc làm mới. Hai cách để thu hẹp khoảng cách kỹ năng là tuyển dụng nhân tài từ các nước khác và chuyển đổi nhân viên giữa các bộ phận nhân sự.
Theo IBM, khoảng 50,3 triệu lao động Trung Quốc có thể cần được đào tạo lại vì tự động hóa thông minh trong ba năm tới. Sau Trung Quốc là Mỹ với 11,5 triệu lao động, và Brazil với 7,2 triệu lao động cần đào tạo lại. Nhật Bản và Đức là hai nước còn lại trong top 5, với con số dự báo lần lượt là 4,9 triệu và 2,9 triệu lao động.
Thu Thảo (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.