Cần đúng hướng và chuyên nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai hiện xếp thứ ba trên bản đồ du lịch của khu vực Tây Nguyên, sau Lâm Đồng và Đak Lak. Được đánh giá là thị trường du lịch tiềm năng, nhưng kinh phí cho hoạt động quảng bá quá ít, cách làm lạc hậu.

Quảng bá thiếu chuyên nghiệp

Trong cuộc gặp gỡ, trao đổi mới đây giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành của TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Kon Tum tại TP. Pleiku, đa số các ý kiến khẳng định, muốn phát triển du lịch, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá. Đây được xem là yếu tố hàng đầu bởi hiện nay, khách du lịch rất khôn ngoan khi lựa chọn điểm đến.

 

Thủy điện Ia Ly-một trong những điểm đến hấp dẫn ở Gia Lai. Ảnh: H.N
Thủy điện Ia Ly-một trong những điểm đến hấp dẫn ở Gia Lai. Ảnh: H.N

Ông Phan Xuân Anh-Chủ tịch Việt Excursions, đại lý du lịch cho nhiều hãng tàu nước ngoài nêu nhận xét: “Các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiếp thị du lịch. Khách du lịch của chúng tôi rất nhiều nhưng ít khi chúng tôi nghĩ bán tour đi Tây Nguyên và cũng ít thấy họ có nhu cầu. Nguyên nhân vì các bạn quảng bá du lịch không ấn tượng, thông tin lạc hậu. Quảng bá phải đưa lên yếu tố hàng đầu để thu hút khách trong thời đại thông tin như hiện nay. Hãy nói với chúng tôi các bạn có sản phẩm gì độc đáo, khiến chúng tôi tò mò, tôi sẽ đưa khách đến”.  

Đại diện Công ty Du lịch Thanh niên Xung phong TP. Hồ Chí Minh kể: “Có lần tôi dẫn đoàn khách đi tour các tỉnh Tây Nguyên, dù chưa đặt chân đến đây nhưng họ kể vanh vách những địa chỉ du lịch đã làm nên thương hiệu cho Tây Nguyên như: buôn Đôn, hồ Lak, nhà thờ gỗ Kon Tum, Lang Biang… Hiện khách hàng thường tìm hiểu kỹ thông tin trên mạng, trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi mua tour, vì vậy cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá để cung cấp thông tin cho họ tốt nhất. Tôi thấy các sản phẩm du lịch được quảng bá ở một số tỉnh Tây Nguyên na ná nhau, không tạo được sự riêng biệt”.

Ở Gia Lai, hoạt động kinh doanh du lịch vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định, tuy nhiên, lượng khách du lịch thấp, đặc biệt khách quốc tế ngày càng giảm. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: “Lượng khách quốc tế giảm là tình hình chung trong khu vực hiện nay. Con đường huyết mạch Tây Nguyên xuống cấp trầm trọng khiến khách du lịch rất nản khi muốn đến đây. Nhiều du khách phàn nàn rằng đến Gia Lai đi đường bộ quá mệt, còn đi đường hàng không thì gặp khó khăn trong khâu mua vé. Đã thế, kinh phí để chúng tôi quảng bá, xúc tiến du lịch quá ít, chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu. Trong lần gặp gỡ ký kết hợp tác du lịch vừa qua, các ấn phẩm quáng bá du lịch của Gia Lai kém hơn hẳn so với tỉnh bạn là Kon Tum và TP. Hồ Chí Minh”.

Cái khó bó cái… lạc hậu!

 

Tổng lượt khách đến Gia Lai 9 tháng năm 2012 gần 146 ngàn lượt (tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước), trong đó khách quốc tế đạt 5.200 lượt (giảm 18,7%), khách nội trên 14.600 lượt (tăng 16,5%). Hoạt động du lịch vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định nhưng lượng khách du lịch thuần túy thấp, chủ yếu khách thương mại và công vụ.
Tổng doanh thu du lịch 9 tháng ước đạt trên 133 tỷ đồng (tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước), nộp ngân sách nhà nước ước đạt 12 tỷ đồng (tăng 27%).

Cũng theo ông Hoàng, kinh phí cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chỉ khoảng 200 triệu đồng/năm. Thực tế, để làm các ấn phẩm cho bắt mắt, tham gia hội chợ du lịch và mời các đoàn của các công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành đến khảo sát để bán tour… kinh phí cần gấp 5 lần, chưa kể quảng bá trên các phương tiện truyền thông. “Trước Festival Cồng chiêng 2009, từ nguồn kinh phí này chúng tôi cho ra ấn phẩm là sách giới thiệu về điểm du lịch của Gia Lai. Theo đánh giá thì hiệu quả từ ấn phẩm này nổi bật nhưng giá thành quá đắt, lại để tặng chứ không bán. Vì thế, muốn tái bản cũng khó khăn vì thiếu kinh phí, in 1.000 cuốn đã tương đương 60 triệu đồng. Trung tâm Xúc tiến Du lịch có làm một số ấn phẩm nhưng hình thức, nội dung không phong phú, hấp dẫn”-ông Hoàng nói.

“Cái khó bó cái lạc hậu” rất đúng trong tình trạng quảng bá nửa vời của du lịch Gia Lai hiện nay. Quảng bá bằng tờ rơi, trưng bày những sản phẩm quen thuộc “made in Tây Nguyên” tại các hội chợ đã bị cho là lạc hậu trong quảng bá du lịch. Đã thế, kinh phí quá ít khiến việc quảng bá này cũng còn gặp nhiều khó khăn, chưa nói đến việc lựa chọn các hình thức quảng bá hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp khác.

Đại diện của Saigon Tourist-Công ty Kinh doanh Dịch vụ Lữ hành đàn anh, có mối quan hệ với hơn 200 công ty dịch vụ lữ hành quốc tế của 30 quốc gia, khẳng định: “Quảng bá du lịch hiện nay là xương sống để đẩy mạnh phát triển du lịch. Ngành du lịch các tỉnh, thành phố cần thay đổi phương thức quáng bá hiện đại để theo kịp với xu thế phát triển hiện nay. Có nhiều tỉnh, thành phố bỏ số tiền không nhỏ để in tờ rơi, in sách nhưng hiệu quả không cao Cần thay thế tờ rơi truyền thống bằng cách tiếp thị điện tử, mạng xã hội...”.

Song song với hoạt động quảng bá, xúc tiến, du lịch Gia Lai cần tạo ra những sản phẩm riêng, không na ná, bắt chước những thành phố du lịch trong khu vực như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột. Có như vậy, du lịch Gia Lai mới tạo ra được “thỏi nam châm” hút khách về phía mình thay vì họ đi thẳng đến những thành phố lâu nay ít nhiều đã tạo được thương hiệu.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.
Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.