Quyết liệt “làm sạch” môi trường du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách được Bộ trưởng Bộ VH-TT và DL Hoàng Tuấn Anh chỉ đạo tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về du lịch ngày 28-8, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Tổng cục Du lịch cho biết tại các địa bàn du lịch trọng điểm, hiện tượng chèn ép, lừa đảo khách du lịch, tài xế taxi gian lận cước, lừa đảo tiền của khách, nạn bán hàng rong, ăn xin, bán vé số chèo kéo, đeo bám du khách... vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt tại những nơi tập trung đông du khách, mùa cao điểm (lễ hội, mùa du lịch biển), đã để lại ấn tượng không tốt về môi trường du lịch, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

 

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến, vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu đề cập, coi đây là “nút thắt” cần sớm giải quyết để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Ông Đoàn Duy Linh- Giám đốc Sở VH-TT và DL Hải Phòng cho rằng quảng bá dù hay đến đâu, nhưng nếu các điểm du lịch vẫn còn thiếu nhà vệ sinh du lịch, vẫn còn tình trạng chèo kéo du khách thì không thể kéo du khách quay trở lại.

Theo lý giải của Tổng cục Du lịch, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do vấn đề an sinh xã hội tại các điểm du lịch chưa được giải quyết tốt, đặc biệt là các đối tượng ăn xin, bán hàng rong, thất nghiệp hoặc vô gia cư không quản lý được. Đây là những đối tượng trực tiếp gây nên tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch.

Bên cạnh đó, vấn đề nhận thức của cơ sở cung ứng dịch vụ, cộng đồng dân cư địa phương đối với hoạt động du lịch chưa đúng đắn. Việc quản lý điểm đến, quản lý hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn chưa chặt chẽ, thiếu định hướng và chưa được chú trọng. Công tác phối hợp giữa các ban, ngành hữu quan tại các địa phương trong giải quyết các vấn nạn trên còn chồng chéo, chưa triệt để. Ví dụ, để kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của taxi phải phối hợp nhiều lực lượng kiểm tra, nếu 1 đơn vị kiểm tra sẽ không chính xác và không đủ thẩm quyền quyết định.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, một trong những giải pháp cần làm ngay là sớm thành lập các tổ, nhóm công tác liên ngành tại các trung tâm du lịch để kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm tại các trung tâm du lịch theo thẩm quyền.

Về vấn đề này, Tổng cục Du lịch yêu cầu các Sở VH-TT và DL và Hiệp hội Du lịch địa phương tham gia công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, công bố đường dây nóng phản ánh vi phạm tại các địa phương và liên hệ chặt chẽ với Tổng cục trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần phải có các biện pháp chấn chỉnh tình trạng lộn xộn, triển khai ký kết giữa các doanh nghiệp cam kết không vi phạm để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, có các hình thức phổ biến thông tin quảng bá, khuyến khích các cơ sở có chất lượng dịch vụ tốt.

Thời gian tới, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ VH-TT và DL sẽ tổ chức các đợt kiểm tra để nắm bắt diễn biến thực tiễn các hoạt động dịch vụ du lịch tại một số trung tâm du lịch thường xảy ra các vụ việc như tại Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm các vụ việc, hiện tượng chèn ép, lừa đảo khách du lịch... trên địa bàn, đặc biệt là trong các dịp cao điểm du lịch.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.
Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.