Ia Grai: Nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng "tín dụng đen"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, tình trạng cho vay tiền, mua nợ hàng hóa với lãi suất cao (thường gọi là "tín dụng đen") diễn ra khá phổ biến và ngày càng phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng trong xã hội, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã và đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Qua rà soát, thống kê sơ bộ, toàn huyện hiện có 12 đầu mối cho vay tiền, mua nợ hàng hóa với lãi suất cao (giao động từ 2 đến 3%/tháng), gồm 1 đầu mối ở xã Ia Dêr, 1 ở Ia Hrung, 3 ở Ia Bă, 2 ở Ia O, 3 ở Ia Pếch, 2 ở thị trấn Ia Kha. Thời gian qua, các đối tượng này đã sang tên đổi chủ khoảng 27 bìa đỏ của người dân và cầm cố khoảng 100 bìa đỏ khác. Người vay tiền, mua nợ hàng hóa lãi suất cao không chỉ là lao động nghèo, đang thất nghiệp, nông dân mà còn có cả cán bộ, công chức, viên chức, đáng chú ý có khoảng 95 hộ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn vay tiền phục vụ sản xuất (mua phân bón, cây giống...) và nhu cầu cuộc sống.
Nhiều trường hợp sau khi vay tiền không có khả năng trả nợ bị đối tượng đòi nợ thuê đe dọa, khủng bố tinh thần, ép giá nông sản, cưỡng đoạt tài sản, đất đai gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, mất trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Nạn nhân chủ yếu bị ảnh hưởng của tính dụng đen là người dân tộc thiểu số. Quang Tấn
Nạn nhân chủ yếu bị ảnh hưởng của tính dụng đen là người dân tộc thiểu số. Ảnh: Quang Tấn
Để ngăn chặn tình trạng "tín dụng đen" trên địa bàn huyện, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường quản lý các giao dịch mua bán hàng hóa, nông sản, vay tiền không thuộc hệ thống ngân hàng, sang nhượng đất có hoặc không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngành nông nghiệp huyện tăng cường công tác khuyến nông, hỗ trợ, khuyến khích người dân, nhất là người dân tộc thiểu số tham gia các mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các ngân hàng trên địa bàn huyện phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các ngành chức năng tuyên truyền cho người dân biết, hiểu rõ về các quyền và nghĩa vụ, tính an toàn trong việc tham gia vay vốn qua hệ thống ngân hàng; thông tin rộng rãi các gói vay vốn ưu đãi, các quỹ hỗ trợ của Nhà nước, địa phương để người dân vay vốn.
Tăng cường quản lý, kiểm tra ngăn chặn, xử lý các đối tượng có hành vi phát, in, vẽ dán tờ rơi quảng cáo "cho vay tiền nhanh" trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và trật tự xã hội. Rà soát số đối tượng môi giới cho người dân vay lãi suất cao, đặc biệt là người dân tộc thiểu số bằng hình thức ép giá nông sản, lừa đảo, mua bán, sang nhượng đất đai, cưỡng đoạt tài sản... để xử lý theo quy định của pháp luật…
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng

Từ đầu tháng 4, xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng nhen nhóm trở lại với mức tăng 0,1- 0,2% tại các kỳ hạn khác nhau. Theo các chuyên gia nguyên nhân bởi đang có xu hướng dòng tiền rút ra khỏi ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư khác trong khi đó tín dụng bắt đầu khởi sắc.