Bảo vệ người lao động thời vụ thu hái cà phê ở Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời điểm này, tỉnh Đắk Nông hiện bước vào vụ thu hoạch cà phê nên có nhu cầu tiếp nhận hàng nghìn lao động đến làm việc thời vụ. Thế nên, các ngành chức năng ở địa phương cũng đang tăng cường các giải pháp để bảo vệ quyền lợi cho nhóm lao động này. 

Nông dân Đắk Nông đang có nhu cầu tiếp nhận hàng nghìn lao động đến làm việc thu hài cà phê thời vụ. Ảnh: M.P
Nông dân Đắk Nông đang có nhu cầu tiếp nhận hàng nghìn lao động đến làm việc thu hài cà phê thời vụ. Ảnh: M.P
Mùa lao động thời vụ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðắk Nông, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích trên 122.000ha. Qua tính toán, để thu hoạch hết số diện tích nêu trên toàn tỉnh Đắk Nông cần khoảng 240.000 lao động (theo định mức công thu hoạch 116 công/ha).
Trong khi đó, nguồn lao động tại chỗ chỉ có khoảng 120.000 người nên nhu cầu người dân trên địa bàn tỉnh phải thuê mướn từ các tỉnh, thành khác là rất lớn.
Người lao động khi đi hái cà phê thuê sẽ được trả công theo ngày hoặc khoán theo sản phẩm. Hết mùa vụ thu hoạch cà phê (kéo dài khoảng 3 tháng), hầu hết lực lượng lao động này sẽ trở về nơi thường trú. 
Đơn cử như vợ chồng anh Y Dem ở thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) có hơn 10 năm làm nghề thu hoạch cà phê khoán. Cứ độ tháng 10 hằng năm, vợ chồng anh Y Dem lại cùng một nhóm người khác ở trong buôn vượt vài chục cây số đến tỉnh Đắk Nông nhận thu hoạch cà phê thuê.
Mỗi ha cà phê, nhóm người của anh Y Dem thường hái khoảng 4-5 ngày, sau đó lại đến vườn cà phê khác để làm việc. Nhiều năm qua, việc thu hái cà phê khoán của nhóm anh Y Dem với chủ vườn chỉ thông qua lời nói chứ không được ký kết bằng hợp đồng, "giấy trắng mực đen". 
“Gia đình tôi không trồng cà phê, lại có nhiều con, ít đất sản xuất nên phải đi làm thuê mới đủ tiền cho con cái đi học. Từ trước đến nay, cứ ai thuê và trả công phù hợp thì mình hái chứ không có ký kết hợp đồng gì. Chúng tôi tranh thủ hái theo hình thức cuốn chiếu, nhanh gọn để làm sao hết 2 tháng có một khoản thu nhập để chi tiêu công việc gia đình” - anh Y Dem cho hay. 
Bảo đảm quyền lợi cho người lao động
Theo anh Y Dem, nhiều năm qua đi làm thuê thời vụ, anh đã  chứng kiến vụ tai nạn lao động như gãy tay, gãy chân, rắn rết cắn...  Tuy nhiên, do bản thân không có việc làm ổn định, lại vì miếng cơm manh áo của cả gia đình nên người lao động như anh Y Dem vẫn chấp nhận công việc này.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, Bộ luật Lao động hiện nay chưa có những quy định cụ thể bảo vệ quyền lợi đối với nhóm lao động thời vụ.
Trong khi đó, công tác quản lý lao động thời vụ thì chưa chặt chẽ. Như đối với người lao động thu hái cà phê thời vụ đều do các hộ gia đình tự thuê mướn, không thông qua cơ quan chức năng. 
Sau khi thuê mướn, người lao động vào ở luôn trong rẫy làm việc. Thậm chí, còn có những trường hợp không khai báo tạm trú, tạm vắng, lý lịch đầy đủ với chính quyền địa phương...
Do đó, người lao động khi làm việc theo hình thức này thường đối diện với nguy cơ chủ sử dụng lao động không trả công không đầy đủ, kịp thời. Thậm chí, người lao động phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm hay phát sinh mâu thuẫn giữa với các hộ thuê mướn lao động.
Trong những năm qua, để bảo vệ quyền lợi cho lao động thời vụ, các cơ quan chức năng, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền các hộ gia đình thuê mướn lao động thực hiện đầy đủ các quy định như thông báo tạm trú, trả công đầy đủ…
Trong thời gian tới, các ngành chức năng, địa phương tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh, giúp người lao động thời vụ ngoại tỉnh yên tâm tới Đắk Nông làm việc.
Trong đó, các ngành chức năng, địa phương sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp để  bảo đảm quyền lợi cho nhóm đối tượng này như: Quản lý lao động, tiền lương, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động...
Theo Phan Tuấn (LĐO)

https://laodong.vn/cong-doan/bao-ve-nguoi-lao-dong-thoi-vu-thu-hai-ca-phe-o-dak-nong-1113770.ldo

Có thể bạn quan tâm