Cô bé tật nguyền vượt khó học giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa chào đời, em đã không may mắn có được một cơ thể lành lặn. Mẹ cha em quặn thắt lòng và rơi bao nhiêu nước mắt khi nhìn thấy đứa con còn đỏ hỏn của mình ngón tay, ngón chân không bình thường. Thế nhưng dần lớn khôn, cô bé lại trở thành niềm tự hào của đôi vợ chồng trẻ bởi sự lạc quan, yêu đời cũng như thành tích học tập tốt của mình.

Vừa là trò giỏi

Qua lời giới thiệu của Bí thư Huyện đoàn Đak Pơ Trường Trung Tuyến, tôi tìm đến với ngôi trường Tiểu học Ngô Quyền (xã Tân An, huyện Đak Pơ)- nơi em Tạ Thị Ngọc Nga-tên cô bé nghị lực ấy-đang theo học. Giáo viên chủ nhiệm lớp 4A1 Võ Thị Hồng Nhung đưa tôi đến phòng học của Nga và không ngừng khoe về cô học trò nhỏ: “Nga học giỏi, hiền ngoan lắm, luôn hòa đồng và chẳng có chút gì là tự ti vì cơ thể tật nguyền của mình. Lúc đầu tôi cũng sợ Nga không làm được gì, nhưng sau bất ngờ vì em làm được hết mọi việc, ngay cả vệ sinh lớp Nga cũng không để bạn khác làm hộ”.

 

Dù tay không lành lặn, Nga vẫn có thể xâu kim, may vá thành thục như các bạn. Ảnh: Hồng Thi
Dù tay không lành lặn, Nga vẫn có thể xâu kim, may vá thành thục như các bạn. Ảnh: Hồng Thi

Lúc ấy đang là giờ Kỹ thuật, Nga ngồi ở bàn kề cuối. Dù các ngón tay phát triển không bình thường nhưng em vẫn đưa kim lên xuống mảnh vải nhỏ một cách thành thục, chẳng chút khó khăn. Trò chuyện cùng tôi, Nga có vẻ rụt rè, trả lời khá lâu và chậm rãi: “Lúc mới đi học, thấy tay chân mình không giống như các bạn em rất buồn. Các bạn còn chọc em là bé cụt nhưng em không hề nói đi nói lại và cũng chẳng khóc. Bây giờ thì bạn bè không chọc em nữa và em cũng quen rồi, em thấy bình thường chứ không còn buồn nữa”. Nga cũng tâm sự rằng, em chưa bao giờ đem chuyện khiếm khuyết của mình đi hỏi ba mẹ, chỉ đơn giản vì em sợ họ buồn.

Với những người bạn trong lớp, Nga là người sống có trách nhiệm, luôn giúp đỡ bạn bè cùng tiến bộ. Em Đào Lê Vinh, hồ hởi nói: “Em học chung với bạn Nga từ mẫu giáo tới giờ. Bạn Nga học giỏi lắm, hay chỉ em và một số bạn trong lớp làm bài tập Toán và Tiếng Việt”. “Tay bạn ấy bị tật nhưng bạn viết chữ đẹp và vẽ đẹp nữa”- cô bé Nguyễn Thị Mỹ Linh xen vào.

 

Chân bị tật, không thể nhảy dây nhưng Nga vẫn vui vẻ giữ dây cho các bạn chơi. Ảnh: Hồng Thi
Chân bị tật, không thể nhảy dây nhưng Nga vẫn vui vẻ giữ dây cho các bạn chơi. Ảnh: Hồng Thi

Giờ ra chơi, vì đôi chân khiếm khuyết của mình, Nga không thể tham gia những trò chơi vận động cùng các bạn như nhảy dây, đuổi bắt… Nếu có chỉ là đứng giữ dây cho bạn nhảy hoặc ngồi nhìn bạn bè chơi. Nhưng thường thì, em hay ngồi lại lớp học và lấy giấy ra vẽ hoặc tô tranh. Một số thành viên trong lớp cũng hay tập trung lại chơi cùng cô bé và xem em vẽ. Các bức tranh với những chủ đề đơn giản nhưng chất chứa trong đó là cả một niềm ước mơ lớn của cô học trò nhỏ về một tương lai tươi đẹp hơn.

Nga nói đầy lạc quan: “Em thích sau này lớn lên mình sẽ trở thành một cô giáo để mang kiến thức mình học dạy lại cho mọi người. Với những bạn giống em cũng đừng buồn, đừng khóc mà hãy tự tin, cố gắng học thật giỏi cho ba mẹ vui, sau này trở thành người có ích cho xã hội”. Có lẽ chính suy nghĩ đó mà trong suốt 3 năm qua, Nga luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi của lớp và xếp loại giỏi trong kỳ thi khảo sát chất lượng đầu năm học vừa qua.

… Vừa là con ngoan

Chiều hôm đó, mẹ Nga bận vào rẫy, ba thì bị bệnh nên không thể đến trường đón em. Tiện đường, tôi đưa Nga về. Ngôi nhà cấp bốn nằm tận sâu trong một con hẻm nhỏ, hai bên là những cây bắp đang độ ẵm trái. Anh Tạ Sen-ba bé Nga, sau khi giải đáp được thắc mắc vì sao con mình lại ngồi sau xe một người lạ hoắt, vui vẻ nói: “Nếu không có em thì con bé phải đi bộ hơn hai cây số từ trường về đây. Thỉnh thoảng khi ba mẹ bận việc, nó vẫn phải đi bộ đi học”.

 

Nga luôn có ý thức giúp đỡ ba mẹ làm công việc nhà. Ảnh: Hồng Thi
Nga luôn có ý thức giúp đỡ ba mẹ làm công việc nhà. Ảnh: Hồng Thi

Vòng tay lễ phép “Thưa ba con đi học về”, Nga chạy nhanh vào thay quần áo rồi bê bình ly đi rửa để ba pha trà mời khách. Bàn tay trái sưng vù do bị cánh quạt máy phun bắp cứa phải trong một phút sơ ý cách đó vài hôm khiến anh Sen chưa thể làm được trọn vẹn việc gì. Việc nương rẫy thì nhờ vợ, chuyện cơm nước, quét nhà thì nhờ Nga phụ giúp. “Nga nó bị thế nhưng siêng năng lắm, lúc nào cũng có ý thức giúp đỡ ba mẹ, tuy làm chậm và khó. Vợ chồng mình thương con nên cũng chẳng để em phải làm nhiều”.

Kể lại cho tôi nghe về cái ngày Nga ra đời cách đây gần chục năm trước, giọng anh Sen như nghẹn lại. Niềm hạnh phúc đón chào đứa con gái đầu lòng ra đời của đôi vợ chồng trẻ chưa kịp vỡ òa thì bỗng dưng khựng lại. Thay vào đó là những giọt nước mắt mặn đắng của người mẹ cùng nỗi đau chẳng thể thốt thành lời của người cha khi trông thấy con mình không được lành lặn như bao đứa trẻ khác.

“Cách đây 6 năm, nghe nói ở Sài Gòn có chương trình chỉnh hình miễn phí, cả nhà mừng lắm. Cô ruột Nga đưa cháu đi mà vợ chồng tôi ở nhà cứ đứng ngồi không yên, hy vọng con mình được chữa khỏi. Thế rồi cô cháu về nói rằng bác sỹ bảo trường hợp của Nga không thể thực hiện được, chúng tôi lại thất vọng. Thôi thì số con mình thế đành chấp nhận thôi chứ biết sao. May mà cháu chẳng tự ti, ngoan hiền lại ham học. Vợ chồng tôi có cực khổ đến đâu cũng sẽ cố gắng cho Nga ăn học thành tài để sau này nó sướng cái thân”- anh Sen chia sẻ.

 

Nắn nót từng nét chữ tròn trịa trên trang giấy trắng, chốc chốc Nga lại quay sang cầm tay chỉ cô em gái của mình tập tành học chữ. Bên cạnh là người cha trẻ đang dõi theo các con mình. Nghĩ về tương lai của Nga, chắc chắn trong lòng anh Sen vẫn còn nhiều trăn trở, thế nhưng những phút giây như thế này, với vợ chồng anh cũng đã ấm áp vô cùng…

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm