Độ chế xe máy-Thú chơi nguy hiểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Độ” xe máy đang là thú chơi của một bộ phận thanh niên thích thể hiện “đẳng cấp” trước đám đông. Tuy nhiên, thú chơi này không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật mà còn tiềm ẩn mối nguy hiểm cho những người xung quanh và cả chính chủ xe khi tham gia giao thông.

Muôn kiểu “độ” xe

Lâu nay, người dân Pleiku đã quá quen với hình ảnh những chiếc xe máy có tiếng nổ chói tai, màu sắc sặc sỡ, đèn pha chói mắt lưu thông trên đường. Đây là những chiếc xe đã được “độ”, tức thay đổi một vài bộ phận, kết cấu so với nguyên bản của nhà sản xuất.

 

Những chiếc xe máy độ chế bị lực lượng Cảnh sát Giao thông tạm giữ.      Ảnh: P.N
Những chiếc xe máy độ chế bị lực lượng Cảnh sát Giao thông tạm giữ. Ảnh: P.N

Anh H., một thợ “độ” xe máy ở TP. Pleiku, cho biết: “Độ” xe có 2 loại, “độ” ngoại thất (phần vỏ) và “độ” máy (thay đổi kết cấu để tăng vận tốc xe). Hầu hết các xe độ chế đều được thay mới một số bộ phận kỹ thuật, “đôn nòng” nên có thể chạy với vận tốc rất cao. Bình thường, vận tốc tối đa của xe máy khoảng 90 km/giờ, nhưng sau khi được “độ” có thể lên đến 130-150 km/giờ. Những thanh niên thích “chơi ngông” thường tìm mua các dòng xe như: Honda Dream, Suzuki Sport, Yamaha Sirius, Honda Wave RS, Yamaha Exciter, Honda Winner…  rồi đem ra “độ” như một món “đồ chơi”.

Cũng theo anh H., hiện nay, rất nhiều thanh niên muốn trang trí cho “xế cưng” của mình bằng cách “độ” tem nhãn, hình trang trí, vành xe, phuộc nhún, gương chiếu hậu, đèn trước và sau… Thông thường, khách hàng trước khi muốn “độ” cho hợp gu, họ vào các trang mạng xem mẫu, tham khảo giá cả rồi đặt hàng cho thợ. Ở Pleiku, phụ tùng trang trí cho phần ngoại thất rất đa dạng về mẫu mã với nhiều mức giá khác nhau. Hàng “xịn” thường là của những hãng nổi tiếng trên thế giới, hàng thường là do Trung Quốc sản xuất. Để “độ” được ngoại thất thật “độc”, người chơi dùng hàng có chất lượng tốt với giá thành cao, nhiều xe chỉ tính riêng tiền mua phụ kiện đã lên tới 20-30 triệu đồng. Cá biệt, có chiếc sau khi độ xong giá tăng gấp 2 lần so với giá mua ban đầu. Mặc dù tốn kém nhưng để thể hiện “đẳng cấp”, người chơi vẫn chấp nhận.

Nguy hiểm đi cùng

Theo anh Phùng Đức Hiếu-chủ một tiệm sửa xe trên đường Wừu (TP.Pleiku): Người điều khiển xe “độ” có công suất máy được nâng lên trong khi độ chịu lực của khung sườn không thay đổi dẫn đến dễ bị gãy. Ngoài ra, việc thay đổi một số chi tiết cũng dẫn đến sự không đồng bộ giữa công suất máy, làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của xe. Tuy là thú chơi nhưng những chiếc xe “độ” có kiểu dáng “hầm hố” đang gây nhiều nguy hiểm với chủ xe và người đi đường, thậm chí là vi phạm pháp luật. Vì vậy, tiệm chúng tôi hàng năm đều có bản cam kết với Công an phường là không tham gia độ chế xe máy dưới bất kỳ hình thức nào.

Bên cạnh đó, thú chơi đèn led, đèn chuyển từ bóng halogen sang bóng xenon đang được nhiều thanh niên ưa chuộng. Nhiều bạn trẻ muốn chiếc xe của mình phát ra thứ ánh sáng độc đáo đủ màu sắc nên đã lắp thêm những bộ đèn led, đèn xi nhan, đèn đề mi. Khi lắp, chỉ cần nối vào dây điện của bình xe và đặt ở vị trí tùy thích. Đèn led có lượng ánh sáng gấp nhiều lần so với bóng halogen nguyên bản làm cho xe chạy đối diện rất khó quan sát, dễ gây tai nạn giao thông. Đặc biệt, nhiều “quái xế” còn thay toàn bộ cụm đèn phía sau bằng đèn led có ánh sáng trắng. Mỗi khi bóp phanh, ánh sáng chói mắt lập tức phát ra không ngừng nhấp nháy khiến người đi sau bị lóa mắt, mất tự chủ tay lái.

 

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an TP. Pleiku đã phát hiện và xử lý 317 trường hợp xe máy độ chế. Trong đó, đơn vị đã ra quyết định tịch thu 46 phương tiện; xử phạt tổng số tiền hơn 135 triệu đồng.

Trao đổi với P.V, Trung tá Hồ Trung Sơn-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an TP. Pleiku, cho biết: Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua, Đội thường xuyên phối hợp với lực lượng Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát Trật tự tuần tra, kiểm soát trên những địa bàn phức tạp, có hiện tượng đua xe như các tuyến đường: Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh và Lê Duẩn để xử lý xe máy độ chế. Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với Công an các xã, phường, chính quyền địa phương và các trường THPT tăng cường công tác tuyên truyền nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông từ xe máy độ chế; kiên quyết tịch thu xe tự chế tham gia giao thông; lên danh sách các tiệm sửa xe để yêu cầu viết cam kết không tiếp tay hoặc “độ” xe, nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo quy định.

Phạm Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Phan Quốc Việt khai gì trong vụ móc nối với Công ty AIC?

Phan Quốc Việt khai gì trong vụ móc nối với Công ty AIC?

Khi biết Công ty AIC đồng ý cho Công ty Gene Việt liên danh gói thầu giai đoạn 1 dự án thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, Phan Quốc Việt liền chỉ đạo giao lại Cty Việt Á đứng tên liên danh và thực hiện các thủ tục thay vì thấy công ty này chưa đủ năng lực.