Chặt đứt đường dây chuyên làm các loại giấy tờ giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một đường dây làm giấy tờ giả quy mô lớn vừa bị Cơ quan điều tra Công an huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai triệt phá. Qua khám xét, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm giấy phép lái xe (GPLX) mô tô và một số giấy tờ bằng cấp khác được các đối tượng làm giả tiêu thụ khắp địa bàn tỉnh…

Từ những manh mối đầu tiên

Vào đầu tháng 9-2013, trong những lần ra quân tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông trên địa bàn, Công an huyện phát hiện một số người tham gia giao thông, dù chưa đủ tuổi nhưng vẫn có GPLX. Nghi ngờ những GPLX này được làm giả, nên Đội Cảnh sát Giao thông huyện đã báo cáo lên lãnh đạo đơn vị. Ngay sau khi nhận được báo cáo, Công an huyện Đak Pơ lập tức đưa những GPLX vừa thu giữ đi trưng cầu giám định. Kết quả cho thấy, toàn bộ những GPLX này đều được làm giả rất tinh vi.

 

Đối tượng Trần Đình Lục. Ảnh: Lê Anh
Đối tượng Trần Đình Lục. Ảnh: Lê Anh

Qua đấu tranh với những trường hợp dùng GPLX giả để tham gia giao thông, tất cả đều khai nhận đã mua số GPLX trên của một phụ nữ tại xã Cư An, huyện Đak Pơ. Nhận định, đây là một đầu mối trong đường dây làm giấy tờ giả vừa xuất hiện trên địa bàn huyện, lãnh đạo Cơ quan điều tra Công an huyện Đak Pơ đã tập trung lực lượng, nắm bắt địa bàn để điều tra hoạt động của đường dây này.

Sau một thời gian theo dõi, ngày 18-9, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đak Pơ đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thị Hồng Nga (SN 1977), trú tại xã Cư An khi đối tượng đang nhận hồ sơ làm GPLX mô tô giả cho một số người dân trên địa bàn huyện. Qua đấu tranh, bước đầu đối tượng khai nhận, có quen biết với một đối tượng mà Nga thường gọi là “anh hai”, trú tại TP. Pleiku và được đề nghị làm chân rết thu gom hồ sơ của những người có nhu cầu làm các loại giấy tờ như: GPLX, bằng tốt nghiệp THPT… để hưởng tiền hoa hồng. Mỗi GPLX, “anh hai” sẽ thu lại với giá 600 ngàn đồng, bằng tốt nghiệp THPT, trung cấp (TC), Cao Đẳng (CĐ) có giá từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng… Nhưng với lòng tham của mình, Nga đã thu cao gấp đôi giá mà “anh hai” đặt hàng để kiếm thêm tiền lời.

Sau khi gom đủ số lượng hồ sơ và thu tiền, Nga liên hệ với “anh hai” qua điện thoại để hẹn địa điểm giao nhận hàng. Nhằm đảm bảo bí mật cho đường dây, cả hai bên tuyệt nhiên không biết tên thật, cũng như địa chỉ của nhau, ngoài cái tên “anh hai” và ngược lại tên của Nga thường được gọi là “cô út”.    

Tóm gọn các mấu chốt trong đường dây

 

Bằng tốt nghiệp THPT được làm giả. Ảnh: Lê Anh
Bằng tốt nghiệp THPT được làm giả. Ảnh: Lê Anh

Sau khi đấu tranh với đối tượng Nguyễn Thị Hồng Nga, ngay sáng hôm sau (19-9), tổ công tác do Thượng tá Trần Thành Thưởng- Phó trưởng Công an huyện Đak Pơ trực tiếp chỉ huy phối hợp cùng Công an TP. Pleiku tiến hành phá án. Từ 5 giờ sáng, “cô út” được dẫn giải lên TP. Pleiku để làm “chim mồi” dụ “anh hai” đến địa điểm giao nhận tiền và hồ sơ. Đúng 8 giờ 30 phút, khi vừa xuất hiện ở điểm hẹn tại quán cà phê cóc trên đường Lê Duẩn, “anh hai” đã bị các trinh sát ập vào bắt giữ. Qua xác minh nhân thân, đối tượng có tên thật là Đàm Văn Cường (SN 1954), trú tại phường Thắng Lợi, TP. Pleiku. Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thu giữ thêm một số GPLX giả và nhiều hồ sơ, giấy tờ liên quan.

Bước đầu, Đàm Văn Cường khai nhận, đối tượng chỉ là một đầu mối trong đường dây làm giấy tờ giả tại Gia Lai. Sau khi Cường nhận hồ sơ và tiền từ “cô út” thì sang lại cho một đầu mối khác để hưởng từ 100 ngàn đồng/GPLX đến vài triệu đồng cho mỗi bằng tốt nghiệp THPT, TC, CĐ…  và đối tượng cũng chỉ biết tên thường gọi của người giao dịch với mình là “sáu lục”.

Phương án truy bắt “sáu lục” được triển khai, cũng như lần trước, lực lượng chức năng dùng Cường để dụ “sáu lục” xuất hiện. Điểm hẹn lần này tại một quán cà phê cóc ở cạnh Bưu điện tỉnh. Hơn 10 trinh sát được bố trí vào các điểm, tạo thành một vòng vây khép kính. Đúng 12 giờ 30 phút, khi vừa dừng xe trước quán cà phê theo lời hẹn của Cường, các trinh sát áp sát khống chế đối tượng. Dù chưa định thần được chuyện gì xảy ra, nhưng câu nói đầu tiên của “sáu lục” khi bị bắt là “em biết tội của mình rồi!”.

Qua xác minh của Cơ quan điều tra, “sáu lục” có tên thật là Trần Đình  Lục (SN 1955 ), trú tại tổ 10, phường Ia Kring, TP. Pleiku, là đầu mối chủ chốt trong đường dây làm giấy tờ giả tại Gia Lai. Những hồ sơ mà “sáu lục” nhận lại từ các chân rết của mình được đóng gói chuyển vào tỉnh Đồng Nai bằng xe khách cho một đầu mối khác để hưởng tiền chênh lệch từ 200 ngàn đồng/GPLX đến vài triệu đồng cho mỗi bằng tốt nghiệp THPT, TC, CĐ...

Sau khi hoàn tất mọi công đoạn, các loại giấy tờ, bằng cấp sẽ được chuyển ngược về Gia Lai để “sáu lục” giao cho khách hàng. Tại thời điểm bị bắt, đã có hàng trăm người đăng ký danh sách mua GPLX và các giấy tờ, bằng cấp khác. Số tiền mà đối tượng thu được từ cách làm ăn phi pháp hơn 100 triệu đồng.

Thượng tá Trần Thành Thưởng- Phó trưởng Công an huyện Đak Pơ cho biết: “Hiện nay, Cơ quan Điều tra Công an huyện đang tiếp tục mở rộng vụ án. Qua đây, Cơ quan điều tra đề nghị những người đã mua các loại giấy tờ, bằng cấp giả (đã có danh sách) từ các đối tượng trên nên tự giác đến giao nộp cho Cơ quan điều tra. Nếu ai cố tình trốn tránh sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật…”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Kbang: 2 xe máy tông nhau, 1 người tử vong

Kbang: 2 xe máy tông nhau, 1 người tử vong

(GLO)- Khoảng 18 giờ 10 phút ngày 25-4, tại km 302, đường Trường Sơn Đông, thuộc khu vực làng Brock, xã Đông (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe mô tô khiến 1 người tử vong.