Ở Việt Nam, tỷ lệ mù lòa ngày càng gia tăng, xuất hiện nhiều bệnh lý về mắt phức tạp, đặc biệt tỷ lệ mắc mới và tồn đọng hàng trăm ngàn ca mỗi năm chưa được giải quyết.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt về nhân lực của ngành mắt, nhất là ở tuyến huyện, vùng cao... cũng đang là một trong những khó khăn trong công tác phòng, chống mù lòa ở Việt Nam.
Trên 30% số người mù lòa không biết có thể chữa trị được
Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Trung ương, tỷ lệ mù lòa ở Việt Nam hiện còn khá cao, chiếm 0,6% dân số. Số liệu điều tra gần đây nhất cho thấy, hiện có khoảng 400.000 người mù cả hai mắt, nếu tính mù một mắt, cả nước có tới 2 triệu người, chưa kể hàng năm số người mù mắc mới hàng trăm nghìn người và tỷ lệ mù tồn đọng mỗi năm lên tới 150.000 người.
Nguyên nhân chính gây mù được các nhà chuyên môn chỉ ra: bệnh đục thể thủy tinh, chiếm 66,1%; các bệnh đáy mắt, các bệnh nửa phần sau nhãn cầu (chiếm 16,6%), bệnh glôcôm (6,5%), tật khúc xạ (2,5%) và bệnh mắt hột (1,7%).
Trong số nguyên nhân gây mù hiện nay có tới trên 80% là có thể phòng và chữa được. Bên cạnh đó, tình trạng tật khúc xạ cận thị, viễn thị, loạn thị ở lứa tuổi thanh thiếu niên cũng đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội.
Cả nước ước tính có 3 triệu trẻ em dưới 15 tuổi bị mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó 2/3 bị cận thị. Mắc các tật khúc xạ nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ dẫn tới mù lòa. Qua điều tra cho thấy, có tới trên 30% số người mù loà không biết bệnh có thể chữa trị được và chữa ở đâu, gần 1/3 số người mù không có tiền để chữa trị.
Hàng năm, các trung tâm nhãn khoa lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế đã đào tạo hàng trăm bác sỹ chuyên khoa mắt, hàng trăm điều dưỡng mắt nhưng hầu hết khi ra trường lại ở lại thành phố lớn, không về tuyến tỉnh công tác. Hiện nay, ở tuyến tỉnh rất thiếu bác sỹ chuyên khoa mắt, phẫu thuật viên có trình độ, tay nghề cao. Tỉnh Kon Tum chỉ có ba bác sỹ chuyên khoa mắt; tỉnh Quảng Nam với 1,5 triệu dân cũng chỉ có năm bác sỹ chuyên khoa mắt.
Các tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng hoặc các tỉnh khu vực Tây Nguyên thiếu bác sỹ mắt nghiêm trọng; tình trạng này ở tuyến huyện còn nghiêm trọng hơn. Hiện cả nước có khoảng 690 quận, huyện nhưng chỉ có khoảng hơn 200 quận huyện có bác sĩ nhãn khoa, năng lực rất hạn chế, chỉ có thể sơ khám mắt thông thường. Với đội ngũ cán bộ nhãn khoa mỏng như vậy đã tạo ra “vùng trắng” bác sỹ nhãn khoa và những nơi này phòng tuyến mù lòa bị “thủng” trầm trọng; người dân, nhất là những người nghèo khó có thể tiếp cận được vói các dịch vụ nhãn khoa, chăm sóc mắt. Đây chính là nguyên nhân khiến số lượng mù lòa có thể phòng chữa được tồn đọng hàng năm tăng cao, rất khó kiểm soát.
Thanh toán bệnh mắt hột vào năm 2017
Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Như Hơn- Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết thời gian qua, ngành Mắt Việt Nam đã “chuyển mình” từ củng cố hệ thống chăm sóc mắt trên phạm vi toàn quốc, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đến lĩnh vực đào tạo cán bộ, ứng dụng các kỹ thuật nhãn khoa tiến tiến trong việc khám, điều trị các bệnh lý về mắt. Tuy nhiên, các bệnh lý về mắt ngày càng nảy sinh phức tạp hơn, đời sống và yêu cầu thực tiễn của người dân cũng có những đòi hỏi cao hơn.
Công tác phòng chống mù lòa là vấn đề của sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền các cấp, sự chung tay của cộng đồng xã hội và nhận thức trong mỗi người dân tham gia trận tuyến này. Ở các vùng sâu, vùng xa, người nghèo và người dân khó có thể tiếp cận được với các dịch vụ nhãn khoa, nên đã dẫn đến mù lòa.
Cũng theo ông Đỗ Như Hơn, hiện nay, Bệnh viện Mắt Trung ương là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành mắt của cả nước, không chỉ đảm trách công tác chuyên môn thực hiện là tuyến cao nhất của cả nước, mà còn đóng vai trò định hướng, hỗ trợ và thúc đẩy công tác phòng chống mù lòa trong hệ thống chăm sóc mắt cả nước.
Đến nay, đã có 58/63 tỉnh thành phố thành lập Ban chỉ đạo phòng chống mù lòa cấp tỉnh; tỷ lệ mù lòa trong cả nước đã giảm nhiều, nhiều người mù đã lấy lại được ánh sáng, người dân đã được chăm sóc mắt với chất lượng ngày càng tốt hơn. Hệ thống cơ sở chăm sóc mắt đã được phổ biến cho đến tận tuyến cơ sở, các tuyến chuyên khoa sâu đã được nâng cấp và cải thiện, đội ngũ cán bộ được đào tạo có bài bản.
Để thực hiện mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết với Tổ chức Y tế Thế giới là giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 0,3% vào năm 2020, thời gian tới ngành y tế tiếp tục tăng cường kiểm soát những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa; coi trọng kiểm soát bệnh đục thủy tinh thể gây mù, hàng năm phẫu thuật ít nhất 170.000 ca và phấn đấu phẫu thuật được 250.000 ca đục thể thủy tinh vào năm 2013; thanh toán bệnh mắt hột vào năm 2017; thiết lập và phát triển mạng lưới chăm sóc mắt trẻ em tại các trung tâm lớn ở các vùng trong cả nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ tăng cường đào tạo cán bộ nhãn khoa, phẫu thuật viên; tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho tuyến dưới; coi trọng và dành kinh phí để thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, nâng cao kiến thức chăm sóc và bảo vệ mắt trong cộng đồng...
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, đôi mắt của là bộ phận rất dễ tổn thương và mong manh nên mỗi người phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về chăm sóc và bảo vệ mắt trong quá trình lao động hay giữ vệ sinh hàng ngày. Việc kiểm tra mắt định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm bệnh và các tật ở mắt để có phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời. Tránh tình trạng khi bệnh nặng mới đến các cơ sở y tế thì việc điều trị sẽ hạn chế và có thể dẫn tới mù lòa.
Theo TTXVN