(GLO)- Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Gia Lai vừa qua đã thông qua báo cáo chính trị, trong đó nội dung đánh giá về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thời gian qua, nêu khá lạc quan, rằng... đã “tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, tận tụy với công việc của cán bộ, đảng viên...”. Xin mạn phép trao đổi vài ý về việc này.
Là người đứng đầu cơ quan báo chí của đảng bộ địa phương, tôi rất quan tâm đến vấn đề tuyên truyền, phổ biến, nêu gương, nhân rộng những điển hình tiên tiến, xuất sắc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Tuy nhiên rất khó tìm được những điển hình tiên tiến chịu cộng tác với cơ quan Báo trong việc tuyên truyền. Nhiều người được khen thưởng, nêu gương trong các cuộc hội nghị, sơ kết, tổng kết với những thành tích được coi là vô cùng to lớn, rạng ngời gương sáng đấy, nhưng khi phóng viên đề cập đem gương sáng đó phổ biến cho cộng đồng, cán bộ, đảng viên noi theo, biến nó thành sự kiện tác động tốt cho xã hội, lan tỏa rộng trong đời sống mọi mặt, thì các “tấm gương” lại rất khiêm tốn, từ chối bằng... “tôi không muốn nói về mình”.
Thiển nghĩ, mục đích của việc sơ kết, tổng kết, bình chọn người tốt việc tốt trong việc học tập Bác là để nhân rộng, phổ biến cho mọi người noi theo, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong lĩnh vực này, nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên có tư tưởng, đạo đức, lối sống trong sáng, phục vụ nhân dân tốt hơn, nhưng những người được coi là “tấm gương” lại quá khiêm tốn, không muốn cho người khác biết mình đã học và làm tốt như thế nào theo tấm gương của Bác là điều lạ. Theo thống kê mà chúng tôi có được, từ khi thực hiện Chỉ thị 03, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị đến nay trong Đảng bộ tỉnh có 549 tập thể và 1.184 cá nhân được Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp tặng bằng khen và giấy khen. Một con số người giỏi được bình chọn và khen thưởng trong quá trình học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là không nhỏ.
Người viết bài này (và chắc cũng không ít người khác) đôi khi có “suy nghĩ khác” về việc bình chọn những tấm gương học và làm theo Bác. Nếu họ thật sự xứng đáng, thật tuyệt vời là tấm gương sáng thì cớ gì lại khiêm tốn không đúng chỗ, lại giấu giếm với công chúng? Trên thực tế mấy năm qua, vài ba tỉnh đã nêu những tấm gương người tốt việc tốt trong học tập Bác, khi báo chí đưa lên công luận thì, hỡi ôi... Liệu trong số nhiều tấm gương được bình chọn của Gia Lai có ai bị chọn... nhầm? Nói không đi đôi với làm, tư tưởng không thể hiện bằng hành động trong công việc được giao, “chạy” thành tích. Có những tổ chức đảng, quần chúng có nhiều người được bình chọn là người học và làm theo Bác rất tốt, nhưng người đứng đầu lại vi phạm khuyết điểm, tổ chức lại không được công nhận trong sạch, vững mạnh.
Bác Hồ dạy rất cụ thể trên nhiều lĩnh vực và hàng năm Trung ương đều chọn một vấn đề cụ thể trong việc chỉ đạo và tổ chức để cán bộ, đảng viên học tập và làm theo. Chẳng hạn như năm 2014, nội dung được chọn là “nêu cao tinh thần trách nhiệm; chống chủ nghĩa cá nhân; nói đi đôi với làm”, còn năm 2015, đề cập đến việc “trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”. Là thế, nhưng việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện thì mỗi nơi làm theo kiểu của mình, lại rất qua loa, đại khái, làm cho có. Cấp trên không thường xuyên kiểm tra, uốn nắn, nhắc nhở cấp dưới. Có lần tôi đi cùng một đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, tại một đảng ủy xã nọ, khi trả lời câu hỏi của lãnh đạo về nội dung học tập theo tấm gương đạo đức của Bác trong năm là gì, thì... cả tập thể đảng ủy nọ không ai biết.
Thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhằm góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh “là đạo đức là văn minh”, hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, chuẩn bị tinh thần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng, cho nên công tác chỉ đạo, triển khai, kiểm tra, và sơ kết, tổng kết, bình chọn, nêu đúng gương, nhân rộng đúng điển hình tiên tiến tạo thành phong trào thi đua sôi nổi thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian đến là việc mà theo người viết bài này là rất cần phải làm và của cả hệ thống chính trị vào cuộc; tạo ra và giữ cho được “sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc tu dưỡng, rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, tận tụy với công việc của cán bộ, đảng viên...” như nhận định của Tỉnh ủy vừa nêu trên!
Đoàn Minh Phụng