Tuyên chiến với "tín dụng đen"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi “tín dụng đen” đã công khai treo bảng, dán quảng cáo mời gọi người dân vay tiền, có những cam kết rất rõ ràng thì chuyện xử phạt hành chính cũng không đủ khả năng ngăn chặn “cơn bão tín dụng đen” càn quét từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi bà con còn thật thà tin vào những lời hứa và gần như thiếu cảnh giác, đề phòng.
Những “ưu đãi” dễ dàng mà “tín dụng đen” đưa ra gần đối lập với những quy định chặt chẽ, thậm chí khắt khe của ngân hàng. Người dân khi cần tiền mà gặp những “ưu đãi” như vậy thường rất dễ xiêu lòng. Họ chưa kịp nghĩ tới những hậu quả mà mình và gia đình sẽ phải gánh chịu khi chạm tay vào “tín dụng đen”. Trong khi đó, chế tài của pháp luật lại chưa đủ mạnh nên “tín dụng đen” càng thỏa sức tung hoành.
Tại sao “tín dụng đen” có thể tiết lộ danh phận, có thể quảng cáo một cách công khai việc làm phạm pháp của mình?
Tại sao “tín dụng đen” có thể tiết lộ danh phận, có thể quảng cáo một cách công khai việc làm phạm pháp của mình? (ảnh internet)
Phải nói ngay mà không sợ sai, một xã hội mà nạn “tín dụng đen” tràn lan như thế là không có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người dân trước những kẻ xấu xa, độc ác. Hậu quả của “tín dụng đen” thì ai cũng thấy, nhưng do tính chất hoạt động mang tính âm thầm của nó, bên ngoài rất khó nhìn vào và chính nạn nhân cũng khó nói ra vì họ gần như “tự nguyện” đưa mình vào bẫy và cam chịu mọi tai họa.
Những người vay “tín dụng đen” hầu hết đều lương thiện nhưng nghèo, nhiều người trình độ còn hạn chế và có những khó khăn, gấp gáp về tài chính. Họ không biết vay mượn tiền ở đâu, cũng không thể trông đợi ở ngân hàng do không có cách gì đáp ứng được những yêu cầu của ngân hàng để vay tiền. Họ vay “tín dụng đen” là bất đắc dĩ nhưng gần như không có lựa chọn khác.
Đó là bi kịch của người nghèo hiện nay. Những kẻ hoạt động “tín dụng đen” lại biết cách tiếp cận người cần vay tiền và biết cách dỗ ngon nói ngọt để họ an lòng khi vay. Còn khi nợ đáo hạn, chúng sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn tàn độc để đòi nợ, con nợ không có khả năng chi trả thì phải cấn trừ bằng tất cả gia sản của mình.
Mới đây, ngành Ngân hàng đã lên kế hoạch tuyên chiến với “tín dụng đen”. Dù muộn nhưng đây cũng là việc phải làm và phải làm trên tinh thần chạy nước rút. Nếu ngành Ngân hàng không có những chính sách để người dân tiếp cận một cách thuận lợi vốn vay, không chủ động đến với người dân cần vay tiền thì bất cứ khoảng trống nào ngân hàng để lại, “tín dụng đen” đều có thể trám vào.
Tại sao “tín dụng đen” có thể tiết lộ danh phận, có thể quảng cáo một cách công khai việc làm phạm pháp của mình? Vì họ thấy những “kẽ hở” của luật pháp. Và cái “kẽ hở” ở đây là quá lớn, đến nỗi nó thành cánh cửa chứ không còn là kẽ hở nữa.
Tại sao ở một số nước không có “tín dụng đen”? Đơn giản vì ở đó, ngân hàng đã làm quá tốt phần việc của mình. Tùy theo khả năng thu nhập, người tiêu dùng có thể mua trả góp trong nhiều năm (có thể tới 30 năm nếu vay tiền xây nhà, mua nhà) và mọi hoạt động tín dụng đều diễn ra bình thường dưới sự bảo hộ của pháp luật.
“Tín dụng đen” chỉ có đất sống khi người vay tiền chưa ý thức hết những hệ lụy và không có lựa chọn khác, mà ở đây là lựa chọn ngân hàng và người vay tiền còn thiếu sự bảo vệ của pháp luật và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Bây giờ, chúng ta phải có luật để xử lý, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời phải có hoạt động cho vay hữu hiệu và dễ dàng của ngành Ngân hàng đến tận vùng sâu, vùng xa thì nạn “tín dụng đen” mới không còn đất sống.
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.