Trang bị những kiến thức cần thiết khi di chuyển dịp Tết Nguyên đán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước khi di chuyển về các tỉnh, thành phố, mỗi người cần nắm vững các quy định của địa phương (thường trên trang web của tỉnh/thành phố), hỏi người thân ở nhà về việc cách ly...

Những ngày qua, dòng người từ các tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục di chuyển bằng xe máy qua nhiều địa phương để về quê nhà. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)
Những ngày qua, dòng người từ các tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục di chuyển bằng xe máy qua nhiều địa phương để về quê nhà. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)


Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng tình hình dịch vẫn diễn biến gia tăng tại hầu hết các địa phương trên cả nước (trung bình 7 ngày qua, cả nước ghi nhận hơn 11.000 ca mắc/ngày trong cộng đồng và khoảng 200 ca tử vong/ngày). Vì vậy, mỗi người dân cần nắm bắt và trang bị các kiến thức cần thiết để khi di chuyển giữa các địa phương vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Nhiều quy định khác nhau

Dịp Tết, nhiều người dân có nhu cầu về quê sum họp với gia đình. Tuy nhiên, cho đến nay các tỉnh, thành phố đưa ra những quy định đối với người dân trở về quê với các tiêu chí khác nhau.

Tỉnh Quảng Ninh không yêu cầu giấy xét nghiệm với người vào địa bàn, tuy nhiên người từ vùng đỏ, cam sẽ phải cách ly tập trung. Theo đó, người đã tiêm đủ hai liều vaccine cách ly tập trung 7 ngày, xét nghiệm 2 lần, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày; người chưa tiêm đủ hoặc đã tiêm đủ liều vaccine, trong đó liều cuối cùng chưa qua 14 ngày phải cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm 3 lần.

Với tỉnh Lào Cai, những trường hợp đến/về từ vùng đỏ và vùng cam đều phải thực hiện xét nghiệm. Trong đó, người đến/về từ các vùng nguy cơ cao chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 thực hiện xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 hai lần (vào ngày 1 và 7 kể từ ngày về địa phương). Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều được yêu cầu xét nghiệm nhanh ngày 1 và 7, lấy mẫu RT-PCR ngày 14.

Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu người dân xét nghiệm âm tính trước khi về địa phương. Những người về từ vùng xanh, vàng, cam khai báo y tế. Riêng người về từ vùng đỏ, tiêm đủ 2 mũi vaccine cách ly tại nhà 7 ngày và thêm 7 ngày theo dõi sức khỏe, xét nghiệm 2 lần. Người chưa tiêm đủ liều vaccine cách ly tại nhà 14 ngày; đi cách ly tập trung nếu nơi lưu trú không đủ điều kiện. Người dân từ Hà Nội và các địa phương khác trở về phải khai báo y tế với chính quyền nơi cư trú. Xã, phường vận động người dân tự xét nghiệm trước khi trở về.

Tỉnh Phú Thọ yêu cầu người về từ vùng xanh, vàng tự theo dõi sức khỏe 7 ngày; khuyến khích tự test nhanh COVID-19. Người từ vùng cam, đỏ phải xét nghiệm âm tính trong 72 giờ bằng RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên. Người tiêm đủ liều vaccine sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần. Người chưa tiêm đủ liều cách ly tại nhà 7 ngày, xét nghiệm 2 lần và tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo. Người tỉnh ngoài không lưu trú, đi về trong ngày khai báo y tế tại các điểm đến.

Thành phố Thái Nguyên vận động người dân hạn chế ra khỏi tỉnh lẫn tiếp xúc với người từ vùng dịch; vận động người thân trong gia đình đang học tập, làm việc ngoài tỉnh không đi, về thành phố Thái Nguyên từ ngày 4/1 đến Tết Nguyên đán. Trong trường hợp về tỉnh, người dân khai báo y tế, báo với chính quyền địa phương và test nhanh hoặc RT-PCR, âm tính mới được vào địa bàn. Nếu không có giấy xét nghiệm phải test nhanh ngay tại điểm chốt vào ra thành phố.

Trong khi đó, tỉnh Ninh Bình quy định người về quê, người tới địa bàn phải có xét nghiệm âm tính, thông báo với chính quyền địa phương. Cán bộ, người lao động, người dân hạn chế đi lại dịp Tết Nguyên đán để phòng chống dịch.

Liên quan đến vấn đề các quy định di chuyển của người dân về quê dịp Tết nguyên đán, ngày 17/1, Bộ Y tế đã có văn bản gửi chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp. Trong công văn, Bộ Y tế cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 242 ngày 11/1 của Văn phòng Chính phủ về việc chấn chỉnh một số sự việc báo chí thông tin người dân phản ảnh một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp...

Truy cập vào bản đồ COVID-19

Trước khi di chuyển về quê, mỗi người cần nắm vững các quy định của địa phương (thường trên trang web của tỉnh/thành phố), hỏi người thân ở nhà về việc cách ly nếu về quê.

Để biết được nơi mình đang sống thuộc nguy cơ nào, người dân truy cập vào bản đồ COVID-19 của thành phố mình đang sống để kiểm tra. Chẳng hạn như người ở Hà Nội có thể truy cập vào website https://covidmaps.hanoi.gov.vn.

Phó giáo sư Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trong dịp Tết, việc đi lại nhiều không chỉ gây nhiễm bệnh cho những người trong cùng một địa phương mà có thể lây nhiễm cho người ở các địa phương khác. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh thì rất dễ bùng phát dịch trong cộng đồng, đặc biệt là lây lan sang những người chưa tiêm vaccine, người già, người mắc bệnh nền.

Theo Phó giáo sư nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, trong dịp Tết khi di chuyển mỗi người cần chuẩn bị khẩu trang (vải/y tế), dung dịch sát khuẩn tay (nên loại nhỏ để trong người). Mỗi người nên chuẩn bị sẵn 1 test nhanh kháng nguyên COVID-19. Nếu có điều kiện nên thực hiện test nhanh trước khi về quê. Người dân nên đeo khẩu trang trong suốt hành trình di chuyển, chỉ mở khi không có tiếp xúc người khác, bỏ khẩu trang khi về đến nhà.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân khi di chuyển bằng phương tiện di chuyển trong dịp Tết được ưu tiên theo thứ tự: Xe riêng (ôtô, xe máy), máy bay, tàu hỏa, xe khách.

Trong trường hợp di chuyển bằng phương tiện công cộng, cần mở cửa kính xe khách, taxi thoáng khí hoặc có khoang riêng (tàu). Người dân ăn uống dọc đường cần đảm bảo 5K - Khai báo hành trình trên ứng dụng PC-COVID.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 19/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Công điện yêu cầu, không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Theo công điện, thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp y tế, hành chính (như xét nghiệm, cách ly…) liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân bảo đảm tính khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt trong dịp Tết và trở lại nơi làm việc sau Tết.

Theo Thùy Giang (Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm

Những cung đường du xuân...

Những cung đường du xuân...

Tết cận kề cũng là lúc người trẻ, đặc biệt là các tín đồ mê du lịch rỉ tai nhau về những địa điểm du xuân không thể bỏ qua trong những ngày đầu năm mới. Đến để “check-in“, đến để vui chơi thỏa thích...
Lượng du khách đến Hội An tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán

Lượng du khách đến Hội An tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán

Những ngày gần đây lượng du khách đến nghỉ dưỡng tại Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã có chiều hướng tăng trở lại. Mặc dù còn hơn 1 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại đây đã đầy công suất phòng trong dịp đầu năm mới.