Làng hoa Sa Đéc rộn ràng vào xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cứ mỗi độ xuân về, Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Và khi Tết cận kề, những chậu hoa kiểng đến với mọi người, mọi nhà, mang sắc hương cho một năm mới thêm an vui, hạnh phúc. Làng hoa Sa Đéc có khu vực sản xuất tập trung lớn nhất vùng châu thổ sông Cửu Long, hoa kiểng Sa Đéc có quanh năm. Tất nhiên, làng hoa đẹp nhất vào mỗi độ xuân về. Dẫu có những lúc thăng trầm, làng hoa vẫn luôn mang trong mình một vẻ đẹp riêng, độc đáo và tươi mới.

Làng hoa Sa Đéc vào xuân. Ảnh: HÓA VÂN
Làng hoa Sa Đéc vào xuân. Ảnh: HÓA VÂN


Xứ sở hoa vang danh cả nước

Sa Đéc từ lâu là một vùng quê hiền hòa, trù phú, và nay trở thành xứ sở hoa vang danh cả nước. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Nhất Thống, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Sa Đéc, đến nay, Làng hoa Sa Đéc đã có năm thế hệ rồng hoa kiểng. Thế hệ đầu  tiên là những người trồng hoa kiểng ở Sa Đéc từ những năm cuối thế kỷ 19 đến năm 1930, được xem là thế hệ tiền phong, khai mở cho làng nghề. Từ năm 1990 đến nay, được xem là thế hệ thứ năm, cũng có người gọi đây là thế hệ vàng. Ngần ấy năm, Sa Đéc đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân vun trồng, chăm sóc hoa, tạo dáng cho cây kiểng; góp phần xây dựng, tô thắm nên bản sắc văn hóa Sa Đéc độc đáo, hun đúc nên những tố chất tài hoa lịch lãm của người Sa Đéc. Từ làng hoa cho đến thành phố hoa như đã được nhiều người ví von, những thế hệ tiếp nối vun bồi để Sa Đéc mãi tươi đẹp.

 Làng hoa nằm tại phường Tân Quy Đông của thành phố Sa Đéc. Từ sự hình thành của làng hoa, nghề trồng hoa ở Sa Đéc không ngừng phát triển, lan tỏa ra các xã, phường như Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây, Tân Phú Đông, An Hòa. Đến nay, diện tích trồng hoa và kiểng ở thành phố Sa Đéc là hơn 700 ha, với hơn 3.000 hộ và hàng chục nghìn người vun trồng, sản xuất, kinh doanh hoa kiểng, cung cấp sản phẩm quanh năm cho nhiều vùng trong cả nước và xuất khẩu sang một số nước.

Những ngày cuối năm là thời điểm nông dân trồng hoa Sa Đéc tất bật giao hoa, để thương lái chở đi tiêu thụ khắp trong nam ngoài bắc. Một điều thú vị là thay vì bán hết những giàn hoa trong vườn cho thương lái, hàng trăm giỏ hoa vẫn được chủ giữ lại mang ra chợ hoa bán.

Một chiều xuân, chúng tôi đi chợ hoa Sa Đéc. Đây là chợ hoa lớn nhất Đồng Tháp, được bố trí dọc trên các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Phát, Nguyễn Thái Bình. Càng cận Tết, chợ hoa càng nhộn nhịp. Hầu hết những người ngồi bán tại chợ cũng là chủ vườn hoa. Sau khi bán cho du khách một cặp giỏ hoa mâm xôi, hai mẹ con em Lê Thị Kiều Trang (sinh năm 1991, ngụ xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc) ăn vội hộp cơm. Hằng năm, cứ độ 22 đến 29 Tết, gia đình Trang đều có một gian hàng bày các loại hoa chưng Tết như: mâm xôi, mào gà, cát tường, vạn thọ. “Năm nay em thấy rất vui vì du khách tìm đến chợ hoa rất đông. Mừng cái nữa là hoa được giá, mà hoa của em được trổ đúng ngay Tết”, Trang phấn khởi nói.

Hoa ở Sa Đéc được trồng trên giàn (nhằm chống lụt, triều cường, đồng thời giữ cho hoa sạch không bị dính bùn), vì thế đã làm nên nét độc đáo cho Làng hoa Sa Đéc. Cúc mâm xôi là loài hoa trồng vất vả nhất, hạt được gieo trong chậu và đặt lên giàn sáu tháng. Suốt thời gian này, người trồng phải chăm sóc, cắt tỉa hoa. Nhìn các giỏ hoa đang được du khách ngắm nghía chọn lựa, Kiều Trang bộc bạch: “Cực cỡ nào em cũng chịu được. Mình trồng hoa là mang sắc hương đến với bà con, hoa được bà con chọn mua mang về chưng những ngày Tết là em thấy vui lắm”.

"Trảy hội" ngày đêm

Sa Đéc là địa phương chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề nhất của tỉnh. Dịch bùng phát ngay vào thời điểm bà con nông dân chuẩn bị xuống giống hoa Tết. Cứ ngỡ các hộ dân sẽ lắm phân vân, bởi nếu bắt tay vào làm vụ hoa Tết, không biết việc tiêu thụ ra sao, nếu dịch còn phức tạp, và cứ ngỡ năm nay khách du lịch, thương lái lỡ hẹn với thành phố ngàn hoa. Thế nhưng, từ những lời động viên, từ “máu” yêu nghề, yêu cái đẹp, nhiều nông dân đã vượt qua khó khăn để khôi phục sản xuất, duy trì cái nghề đã có cách đây hơn trăm năm ở xứ này.

Diện tích sản xuất hoa phục vụ Tết năm nay tại Sa Đéc ước hơn 60 ha, với hơn 200 hộ dân tham gia. Đó là chưa kể rất nhiều hộ trồng quy mô nhỏ và những hộ trồng hoa kiểng để phục vụ riêng cho khách du lịch. Sản lượng hoa kiểng Tết ước đạt 1,5 triệu giỏ các loại, phần lớn là cúc mâm xôi, hồng và huệ các loại... Điều làm nông dân trồng hoa vui mừng nhất là dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng hoa năm nay rất thu hút thương lái tìm mua. Bấy nhiêu đó cũng đủ làm cho Làng hoa Sa Đéc nhộn nhịp trong những ngày Tết đến Xuân về. Trò chuyện với chúng tôi bên trong khuôn viên ủy ban vào một chiều xuân, nơi mà chung quanh được bày trí các tiểu cảnh hoa rất đặc trưng của thành phố hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc Võ Thị  Bình phấn khởi cho biết: “Thành phố Sa  Đéc vốn dĩ rất nhộn nhịp mỗi khi xuân về. Dù địa phương phải chịu nhiều thiệt hại do dịch Covid-19, nhưng bà con đã vượt qua nhiều khó khăn để có một vụ hoa Tết được mùa, được giá. Ngoài ra, thành phố còn trang trí tiểu cảnh tại công viên và trên các tuyến đường chính, tổ chức lễ hội hoa xuân để bà con đón xuân trong tâm trạng phấn khởi”.

Khi ráng chiều đã bắt đầu ngả vàng, chúng tôi chuẩn bị ra về thì chị Võ Thị Bình bảo: “Tầm giờ này là du khách rời nhà nghỉ, quán giải khát để tiếp tục tìm đến làng hoa, đi dạo phố hứng gió xuân Sa Đéc. Năm nay đặc biệt lắm, dù ban đêm nhưng du khách vẫn tìm đến đường hoa, điểm tham quan du lịch”. Câu nói của chị khiến chúng tôi đã nán lại thêm. Quả đúng là Sa Đéc những ngày này vui như trảy hội. Từng dòng xe ô-tô, xe máy từ các tỉnh nối nhau trên các tuyến tỉnh lộ,  đường nội ô, rồi ngang qua các cầu Cao Mên trên, Cao Mên dưới, Sa Đéc 2 để tham quan làng hoa.

Chúng tôi tìm đến điểm tham quan Cánh đồng hoa hồng, một trong số ít điểm tham quan mạnh dạn đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng để mở cửa đón khách. Không gian thoáng mát, không có phòng kín nên bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho du khách. “Khi còn dịch bệnh thì lượng du khách tìm đến không nhiều, nhưng quan trọng là mở cửa thì khách sẽ đến. Điểm cũng đưa vào phục vụ tiểu cảnh đường hoa mai, cung đường giàn mướp, trang trí lại dòng sông hoa..., đặc biệt là bố trí hàng nghìn gốc hồng nên rất đông du khách thích thú tìm đến”, anh Phạm Thanh Tâm, chủ điểm tham quan Cánh đồng hoa hồng chia sẻ.

 Hơn 7 giờ tối, chúng tôi đến đường hoa Sa Nhiên-Cai Dao, được xem là con đường tham quan du lịch đẹp nhất ở Làng  hoa Sa Đéc. Nếu cùng thời điểm này năm trước, khoảng năm giờ chiều là đường hoa trở nên thưa vắng. Thế nhưng năm nay, dù màn đêm buông xuống nhưng nhiều khách tham quan vẫn tìm đến du xuân. Có khách đi cùng đoàn, có khách là đôi vợ chồng, cũng có đôi bạn trẻ tìm cho mình những khu vực có ánh đèn và vườn hoa để chụp những tấm hình lung linh làm kỷ niệm. Tại Khu du lịch Happy Land Hùng Thy, dù đã gần 8 giờ tối nhưng vẫn còn du khách nán lại. Chị Trần Phương Minh, đến từ huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương cho biết: “Gia đình tôi đến Sa Đéc từ trưa nay. Ở đây nhiều cảnh và điểm tham quan quá, về sớm thì tiếc nên nán muộn để được trò chuyện với người trồng hoa, được ngắm Sa Đéc về đêm”.

Tạm biệt Sa Đéc, trên đường trở về, gặp những ánh mắt hiện rõ niềm vui của du khách. Bất chợt chúng tôi nhớ câu nói của cô Cao Thị Út, nhà ngay tại cổng đường hoa Sa Nhiên-Cai Dao: “Khách người ta thương quê mình mới tìm đến ngày một nhiều. Nên mỗi khi du khách bước vào nhà tôi tham quan, chụp ảnh vườn hoa vợ chồng tôi luôn hỗ trợ họ”. Có lẽ vì tấm chân tình của người dân Sa Đéc và sự quyết tâm của địa phương trong xây dựng thành phố mang bản sắc hoa, trong triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc đã góp phần thu hút đông đảo du khách tìm đến tham quan, góp phần làm cho làng hoa rộn ràng trước thềm xuân.

Theo HỮU NGHĨA (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Lượng du khách đến Hội An tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán

Lượng du khách đến Hội An tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán

Những ngày gần đây lượng du khách đến nghỉ dưỡng tại Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã có chiều hướng tăng trở lại. Mặc dù còn hơn 1 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại đây đã đầy công suất phòng trong dịp đầu năm mới.