(GLO)- Chiều 21-5, tại Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022. Đồng chí Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tham dự hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế, gồm: Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Phần Lan, Australia, Anh, Hà Lan, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Về phía lãnh đạo tỉnh Gia Lai, tham dự hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương cùng hơn 400 đại biểu đến từ các tổ chức, Hiệp hội doanh nghiệp, các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Đất lành chim đậu”
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết: “Hiện nay, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch chính là những lĩnh vực thế mạnh mà Gia Lai đang chào đón các nhà đầu tư. Đây cũng chính là 3 lĩnh vực trụ cột được tỉnh đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng tới xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo đúng mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 25-1-2018”.
Trong những năm qua, Gia Lai đã từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, tỉnh Gia Lai đã có cơ hội tiếp nhiều nhà đầu tư có tiềm năng và năng lực về tài chính đã đến nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư, hợp tác trên các lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo, du lịch như: Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty TNHH Meiwa Việt Nam, Công ty TNHH Phú Thái Holdings, Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam, Công ty cổ phần Shinec, Công ty cổ phần Eurowindow Holding, Công ty cổ phần bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành… Ngoài ra, tỉnh đã làm việc trực tiếp và trực tuyến với các Đại sứ quán, Lãnh sự quán Ấn Độ, Cu Ba, Phần Lan, Hà Lan... hứa hẹn nhiều triển vọng về thu hút đầu tư vào tỉnh Gia Lai.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (bìa trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (bìa phải) trao bản ghi nhớ cho các nhà đầu tư. Ảnh: Đức Thụy |
“Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022 tại tỉnh Gia Lai chính là hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư khởi đầu của năm nhằm tạo ra cơ hội giao lưu, gặp gỡ và lan tỏa thông tin về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào tỉnh. Với chủ đề "Tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong thực hiện công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả trong phòng-chống dịch gắn với khôi phục và phát triển kinh tế”, lãnh đạo tỉnh Gia Lai mong muốn hội nghị là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trao đổi, nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, môi trường và sự khác biệt khi đầu tư vào Gia Lai”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành khẳng định.
Gia Lai là tỉnh may mắn sở hữu những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như những tiềm năng, thế mạnh mà không phải địa phương nào cũng có. Nhiều nhà đầu tư đã vô cùng nhạy bén khi chọn Gia Lai làm nơi “đất lành chim đậu”, nắm bắt cơ hội đầu tư tại tỉnh. Theo đó, năm 2021, có 60 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký 29.227 tỷ đồng; 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Gia Lai cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng nông nghiệp. Ảnh: Đức Thụy |
Nhờ vậy, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội của cả nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng năm 2021 lại là năm thực sự khởi sắc của kinh tế tỉnh Gia Lai. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 (theo giá so sánh 2010) tăng 9,71% so với năm 2020; thu ngân sách nhà nước đạt gần 7.900 tỷ đồng, tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 70.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất-nhập khẩu năm 2021 là 1.480 triệu USD, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020; thu nhập đầu người đạt trên 56 triệu đồng. Kết quả này đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công "mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra: vừa phòng-chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Khai thác lợi thế và cơ hội
Tiến sĩ Trần Du Lịch-thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia-nhận định: “Gia Lai có quá nhiều dư địa để đầu tư, đây chính là cơ hội tạo cơ hội cho nhà đầu tư. Đó là nông nghiệp; nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến gỗ; ngành công nghiệp chế biến nông sản; năng lượng tái tạo. Từ những tiềm năng, lợi thế và dư địa này, Gia Lai nên phát triển 4 trụ cột tăng trưởng: công nghiệp chế biến dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có (phát triển công nghiệp trên nền tảng nông nghiệp); nông nghiệp công nghệ cao (chuyển từ số lượng thành chất lượng); phát triển dịch vụ; phát triển kinh tế đô thị. Để làm được những điều đó, Gia Lai cần thực hiện một số giải pháp, đó là nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết vùng”.
Nhằm định hướng thu hút đầu tư các dự án lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao vào Gia Lai trong thời gian tới một cách khoa học, bài bản và chuyên nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: “Gia Lai hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển nông nghiệp. Để phát huy được tiềm năng, thế mạnh đang có, cần tập trung các giải pháp như: nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch; đa dạng hóa chuỗi cung ứng nông nghiệp, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản Gia Lai với các địa phương khác trong nước; đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp; phát triển công nghệ số trong sản xuất”.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy |
Là một trong những nhà đầu tư đã triển khai dự án tại Gia Lai, ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quiconac-chia sẻ: “Quiconac là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chuyên sản xuất nước ép chanh dây đông lạnh và nước ép chanh dây cô đặc đông lạnh với công suất 62.500 tấn chanh dây nguyên liệu/năm. Chúng tôi cam kết phát triển cùng nông dân, phát triển vùng nguyên liệu bằng cách hỗ trợ kỹ thuật, cây giống và phương thức thanh toán nhanh chóng. Về mục tiêu lâu dài, chúng tôi mong muốn Quicornac là nhà chế biến chuyên sâu, là đơn vị đứng đầu trong việc thu mua chanh dây tím để cung cấp sản phẩm cho thị trường xuất khẩu và trong nước. Bằng cách này, chúng tôi sẽ lớn mạnh và phát triển bền vững cùng người nông dân”.
Nêu ý kiến đề xuất, ông Phạm Hồng Điệp-Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Shinec-nói: “Gia Lai là địa phương với nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, cần phát huy và tổ chức mô hình bài bản, chuyên nghiệp. Để làm được điều đó cần kết nối chuỗi giá trị sản xuất, dịch chuyển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao hệ số sử dụng đất, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, áp dụng khoa học kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Từ đó, xây dựng giá trị thương hiệu quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp của Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên và Việt Nam nói chung. Tôi cho rằng những yếu tố tiên quyết và là nền tảng bền vững để thu hút đầu tư là giải quyết được các chính sách, thủ tục trong thu hút đầu tư, hình thành các khu, cụm công nghiệp với quy hoạch bài bản áp dụng mô hình liên kết cộng sinh, logistics. Riêng doanh nghiệp chúng tôi hiện đang đẩy mạnh đầu tư và phát triển logistics trong chuỗi sản xuất, phục vụ xuất khẩu hàng hóa với nhiều lợi thế vượt trội; cùng với đó là xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp, hiện đại cho tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành (thứ 2 từ trái sang) ký bản ghi nhớ với các nhà đầu tư. Ảnh: Đức Thụy |
Còn bà Nguyễn Thị Lan Hương-Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc thì cho hay: “Dự án Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Chư Sê được chúng tôi triển khai tháng 6-2021 với tổng diện tích 144.39 ha chuyên trồng và cung cấp giống các loại dứa, khoai lang, xoài, chanh dây, chuối, mì... Nói về môi trường đầu tư của Gia Lai, tôi cho rằng đây là tỉnh có tầm nhìn, chiến lược phát triển rõ ràng, năng động, đổi mới và sáng tạo; nguồn lao động sẵn có dồi dào và nằm ở vị trí mang tính chiến lược. Những thuận lợi này chính là cơ sở để chúng tôi tiếp tục tập trung đầu tư phát triển những sản phẩm và giải pháp tốt nhất, mang đến giá trị khác biệt cho khách hàng đối với kỹ thuật công nghệ mới”.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Dựa vào sức mình chính là chiến lược lâu dài, Gia Lai có nhiều tiềm năng để phát triển. Nhưng Gia Lai phải làm gì để phát triển? Phải tạo ra động lực phát triển mới; phát triển hạ tầng giao thông cơ bản; cải cách hành chính. Về cải cách hành chính, tôi được biết, thời gian qua, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Gia Lai đạt được những kết quả đáng kể, như chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021 của tỉnh đạt 64,9 điểm, đứng thứ 26 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2020 của tỉnh đứng thứ 21 toàn quốc, đứng đầu khu vực Tây Nguyên; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 của tỉnh đạt 86,41%, đứng thứ 28 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên; chỉ số PAPI 2020 của tỉnh đứng thứ 43 toàn quốc. Bên cạnh đó, Gia Lai cần nâng cao chất lượng đầu tư; đổi mới công nghệ; chống biến đổi khí hậu; phát triển năng lượng tái tạo, phát triển xanh; phát triển kinh tế số”.
Quang cảnh Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy |
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý: “Đối với công tác đầu tư, cần phải hài hòa, cân bằng lợi ích giữa các bên, trong hợp tác phải tôn trọng và bình đẳng. Ở đây có các bộ, ngành phải đồng hành cùng với Gia Lai cùng nhau tạo điều kiện cho nhà đầu tư, đã nói là làm, chống tiêu cực, phải có trách nhiệm. Tôi mong các doanh nghiệp đến đầu tư tại Gia Lai với tất cả tình cảm, ý chí, nghĩa vụ của mình, cùng đầu tư phát triển, cùng chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, biến vùng đất còn nghèo nàn lạc hậu thành một vùng đất mới”.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho hay: Trong bối cảnh Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đang khẩn trương thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với nhiều chính sách ưu đãi, tiếp sức mạnh mẽ cho các địa phương, đây là cơ hội quan trọng để tỉnh và các doanh nghiệp, nhà đầu tư chung sức cùng tạo nên những kỳ tích mới, khác biệt trên quê hương Gia Lai”.
Dịp này, UBND tỉnh Gia Lai đã trao 17 quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án và ký 29 biên bản ghi nhớ đầu tư. Tại hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa tỉnh Gia Lai với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2022-2026 và giữa tỉnh Gia Lai với Hãng Hàng không Bamboo Airways giai đoạn 2022-2026. |
HÀ DUY