Thói quen ăn vội của gen Z: Nhiều hệ lụy!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công việc, lịch học tập dày đặc cùng với các vấn đề trong cuộc sống khiến nhiều gen Z có thói quen ăn vội vã, thiếu khoa học và không chú trọng đến dinh dưỡng. Điều này không những khiến các bạn dễ mắc bệnh lý về tiêu hóa mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Ngày nay, với bao bộn bề của công việc cũng như áp lực cuộc sống khiến không ít gen Z có thói quen ăn uống thất thường, thiếu khoa học.

Ngoài thời gian lên lớp, chị Vũ Thị Linh (26 tuổi)-giáo viên Trường Mẫu giáo Hra (xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) còn tham gia khóa học online để nâng cao trình độ chuyên môn. Chính vì thế, hầu như chị không có thời gian để chăm sóc bản thân, nhất là những bữa ăn đúng giờ, đầy đủ chất dinh dưỡng.

Cô giáo Vũ Thị Linh-giáo viên Trường Mẫu giáo Hra-cùng học trò. Ảnh: NVCC

Cô giáo Vũ Thị Linh-giáo viên Trường Mẫu giáo Hra-cùng học trò. Ảnh: NVCC

“Sáng đi sớm, đến tận khuya mới kết thúc những việc cần xử lý nên tôi thường không có bữa ăn đúng giờ, khi nào rảnh rỗi thì tranh thủ ăn và bữa ăn thường cũng rất vội vàng. Tôi cũng hay đặt đồ ăn trên ứng dụng giao hàng hoặc ăn tô mì gói để nhanh chóng lấp đầy chiếc bụng đói và nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng”-chị Linh tâm sự.

Thực tế, chị Linh cũng ý thức được thói quen ăn vội, thiếu khoa học như hiện tại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, thậm chí chị cũng đã gặp một số vấn đề về đường ruột với những thói quen này. Tuy nhiên, với tính chất công việc và một phần chủ quan về sức khỏe của mình nên hàng ngày chị vẫn lặp lại thói quen không khoa học này.

Tình trạng “overnight” (thức thâu đêm) cũng xuất hiện ngày càng phổ biến ở các bạn trẻ thế hệ gen Z. Họ thường “overnight”, dậy muộn, rồi ăn sáng rất muộn dẫn đến bữa trưa, tối cũng muộn theo.

Đơn cử như trường hợp của bạn Nguyễn Luân Thành Phát (18 tuổi; tổ 4, phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Thời gian gần đây, Phát thường xuyên thức đêm học bài và luyện đề trên các diễn đàn nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Thói quen ăn vội của gen Z đang trở thành xu hướng bởi nhiều bạn trẻ luôn cuống cuồng với công việc, học tập. Ảnh: Đồng Lai

Thói quen ăn vội của gen Z đang trở thành xu hướng bởi nhiều bạn trẻ luôn cuống cuồng với công việc, học tập. Ảnh: Đồng Lai

“Năm lớp 12, cả ngày em cắm mặt vào học và ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nên không có thời gian thư giãn, chăm sóc bản thân hay tụ tập bạn bè. Bản thân cũng không quan tâm lắm đến chế độ nghỉ ngơi, ăn uống khoa học, các bữa ăn thường chớp nhoáng, đói là ăn, không theo giờ giấc”-Phát nói.

Đặc biệt, trong bối cảnh “workaholic" (nghiện việc) đang ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa, việc duy trì các thói quen lành mạnh, nhất là chế độ ăn uống khoa học, tốt cho sức khỏe bỗng trở nên "xa xỉ" đối với giới trẻ, nhất là các bạn đang sống tự lập.

"Mình là một tín đồ của các ứng dụng đặt món ăn, vừa tiết kiệm được khá nhiều thời gian nấu nướng, lại kèm nhiều ưu đãi. Đây cũng là lựa chọn tối ưu cho ví tiền eo hẹp của sinh viên tụi mình”-Lê Thị Cẩm Hằng (21 tuổi; tổ 4, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) bày tỏ.

Đề cập đến những hệ lụy của thói quen "ăn vội", Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Linh-Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai) cho biết: Guồng quay hối hả của cuộc sống khiến nhiều bạn trẻ dễ bị cuốn theo lối sống ăn nhanh, uống vội, kém lành mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Và thủ phạm chiếm hầu hết thời gian, khiến nhiều người không còn nghiêm túc với chế độ ăn uống của bản thân chính là công việc, học tập.

Ăn vội, đúng giờ giấc có khả năng sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh học, đồng thời tác động tới quá trình trao đổi chất của cơ thể. Ảnh: Internet

Ăn vội, đúng giờ giấc có khả năng sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh học, đồng thời tác động tới quá trình trao đổi chất của cơ thể. Ảnh: Internet

Bác sĩ Linh phân tích: Đầu tiên, đối với sức khỏe thể chất, thói quen ăn uống vội vàng, ăn không đúng giờ giấc hay bỏ bữa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn tiêu hóa... Ăn không chú trọng về dinh dưỡng, thừa/thiếu chất, tỷ lệ chất dinh dưỡng không cân đối khiến các bạn không đủ hoặc dư năng lượng. Việc thiếu hay thừa năng lượng mỗi ngày tích tụ dần sẽ dẫn đến mắc các bệnh lý liên quan đến suy dinh dưỡng, béo phì...

"Về lâu dài, thói quen ăn uống này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính khi độ tuổi tăng lên như: bệnh lý tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường... Mặc khác, thói quen ăn uống không lành mạnh còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, khiến các bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi, uể oải, học tập, làm việc không hiệu quả... và vô số các hệ lụy về sau khác"-Bác sĩ Linh thông tin thêm.

Clip: Thói quen ăn vội của gen Z và lời khuyên từ bác sĩ dinh dưỡng. Thực hiện: Đồng Lai

Có thể bạn quan tâm

Khi con trai cũng trang trí... móng tay

Khi con trai cũng trang trí... móng tay

Các dịch vụ vệ sinh, trang trí móng ngày nay dần mở rộng và hướng tới đối tượng là nam giới nhiều hơn. Một số phái mạnh cũng cởi mở hơn trong việc làm nail. Những kiểu trang trí nào đang được các chàng trai ưa chuộng?

Biết lắng nghe con

Biết lắng nghe con

Gen Z có lối sống, tư duy khác biệt thế hệ trước, dẫn đến khoảng cách, hiểu lầm, tranh cãi trong gia đình. Vì vậy, cha mẹ cần thay đổi cách tiếp cận trẻ

Sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên: Khẳng định chỗ đứng trên thị trường

Sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên: Khẳng định chỗ đứng trên thị trường

(GLO)- Tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương để tạo ra những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe đang trở thành xu hướng của nhiều cơ sở sản xuất. Việc này không chỉ góp phần thay đổi thói quen của người tiêu dùng mà còn gia tăng giá trị của thảo mộc.