(GLO)- Theo số liệu từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, tỉnh ta có 16/17 huyện, thị xã, thành phố có người mắc sốt xuất huyết với 1.930 trường hợp và có 1 trường hợp tử vong. Các địa phương có số người mắc cao là TP. Pleiku với 425 trường hợp; Chư Pưh có 334 trường hợp; Kông Chro có 292 trường hợp, Đak Pơ có 224 trường hợp và rải rác ở các địa phương còn lại.
Hàng ngàn lượt người mắc sốt xuất huyết
Huyện Chư Pưh đang là điểm nóng của dịch sốt xuất huyết, trong đó xã Ia Blứh là trung tâm của vùng dịch. Ngày 27-7, tại xã ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên và đến nay đã lây lan cho hàng trăm lượt. Đến đâu cũng nghe người dân bàn tán về bệnh dịch. Ông Đặng Thanh-một trong những ca mắc sốt xuất huyết đầu tiên tại xã Ia Blứh chia sẻ: “Sau 35 năm sinh sống, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến người mắc sốt xuất huyết nhiều như thế. Ngày nào ở xã cũng có người mắc phải chở đi viện. Nhiều nhà, tất cả các thành viên đều mắc, như nhà tôi, cả 5 người lần lượt nhập viện điều trị sốt xuất huyết”.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: H.S |
Thành phố Pleiku là trọng điểm của bệnh sốt xuất huyết, từ năm 2010 đến nay, số lượng bệnh nhân mắc luôn dẫn đầu toàn tỉnh. Tính trung bình mỗi năm, thành phố ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc sốt xuất huyết. Cụ thể: năm 2010 ghi nhận 2.078 trường hợp; năm 2013 có 565 trường hợp; đến tháng 11-2015 đã có 425 trường hợp. Hiện tại, Pleiku ghi nhận số lượng mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh, tập trung tại 3 phường: Ia Kring, Diên Hồng, Yên Đổ.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thu dung và điều trị cho hơn 1.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Khoa Bệnh nhiệt đới luôn trong tình trạng quá tải, chủ yếu là bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết. Ông Rcom Manh-Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: Cao điểm mỗi ngày tại khoa tiếp nhận và điều trị cho hơn 20 ca mắc sốt xuất huyết. Để đáp ứng nhu cầu điều trị, bệnh viện đã kê 71 giường, trong khi bên chế giường kê là 40. Đồng thời, để có giường cho bệnh nhân mới nằm, bệnh viện cho xuất viện đối với những bệnh nhân đã được điều trị ổn định, cắt cơn sốt 2 ngày. Sáng 11-11, ghi nhận tại Khoa Bệnh nhiệt đới vẫn còn hàng chục bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết.
Giải pháp khả dĩ ?
Theo ông Võ Gia Bắc-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh thì từ đầu năm 2015, Trung tâm tham mưu với Sở Y tế, UBND tỉnh triển khai nhiều biện pháp tích cực phòng-chống bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm ở người; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tập huấn cho các cộng tác viên; vận động người dân ngủ màn ban ngày, sử dụng các biện pháp phòng muỗi đốt, nhất là với trẻ em và cùng với người dân tham gia dọn vệ sinh môi trường, phát dọn cỏ quanh nhà, khơi thông cống rãnh, dọn vệ sinh máng xối, ban công, sân thượng, lật đổ các dụng cụ chứa nước mưa, thả cá vào hòn non bộ, bể chứa nước sinh hoạt diệt lăng quăng, đậy kín các lu vại chứa nước…
Song song với việc phun hóa chất, phối hợp cùng các cơ quan truyền thông, báo chí tiến hành tuyên truyền trên vô tuyến, báo chí để người dân hiểu tác hại của sốt xuất huyết mà tự phòng trừ. Treo băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền và cấp bảng cam kết cho các hộ dân tại các điểm có đông người mắc sốt xuất huyết.
Đối với các địa phương có số người mắc sốt xuất huyết cao, Trung tâm Y tế Dự phòng cử cán bộ xuống giám sát, hướng dẫn chuyên môn và triển khai nhiều chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi. Đến nay, Trung tâm đã cấp hơn 1.000 lít hóa chất cho 16/17 huyện, thị xã, thành phố phun trừ muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết. Tổ chức hàng chục chiến dịch dọn vệ sinh môi trường…
Theo nhận định của ngành chức năng thì nguyên nhân chính dẫn đến việc sốt xuất huyết bùng phát và lây lan nhanh là do điều kiện khí hậu diễn biến thất thường, sau mưa thường xuất hiện nắng nóng, tạo điều kiện cho muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết sinh sản nhanh và gây bệnh. Bên cạnh đó, đa phần người dân còn có tâm lý chủ quan trong việc tự phòng-chống bệnh sốt xuất huyết. Người dân chưa mặn mà với việc tự thu gom rác thải, không xả rác bừa bãi; xử lý triệt để các dụng cụ chứa nước và các vật dụng chứa nước vương vãi ngoài môi trường; thường xuyên phát dọn môi sinh xung quanh nhà… Một nguyên nhân nữa là việc nhiều tuyến quốc lộ chạy ngang qua tỉnh ta với lưu lượng xe và người lưu thông qua đây cao phát tán mầm bệnh sốt xuất huyết.
Trung tâm y tế Dự phòng kiến nghị: để công tác phòng-chống sốt xuất huyết có hiệu quả hơn, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, cả hệ thống chính trị như đầu tư thêm cơ sở vật chất hạ tầng, tăng cường truyền thông trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, mỗi người dân, mỗi gia đình phải nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của mình trong việc phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết để chủ động phòng tránh.
Hoành Sơn