(GLO)- Sáng nay (12-7), Kỳ họp thứ ba-HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI tiếp tục phiên làm việc với nội dung báo cáo kết quả thảo luận theo tổ; các đại biểu tham gia thảo luận chung tại Hội trường liên quan đến nhiều vấn đề “nóng”. Sở Kế hoạch-Đầu tư đã xin rút lại 1 Tờ trình đã trình kỳ họp.
Quang cảnh kỳ họp ngày thứ 3. Ảnh: Minh Dung |
Nhiều ý kiến đóng góp về tồn tại, hạn chế
Hôm qua, Kỳ họp thứ ba-HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI đã chia thành 8 tổ để thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2017; đóng góp ý kiến vào nội dung các báo cáo, tờ trình trình tại kỳ họp. Qua buổi thảo luận (ngày 11-7) đã có trên 66 lượt ý kiến tham gia với nhiều vấn đề được đại biểu quan tâm. Hầu hết các ý kiến cho rằng mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng 6 tháng đầu năm 2017, Gia Lai đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Sáng nay 12-7 đã có 10 ý kiến phát biểu tại hội trường, tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến đóng góp về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội; các báo cáo; dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp. Các phát biểu xoay quanh một số nội dung: Thời gian qua một số đại biểu HĐND chưa xác định đúng vai trò, vị trí, quyền hạn của người đại biểu dân cử; chất lượng chất vấn chưa cao, số lượng chất vấn còn ít, nội dung chất vấn chưa bao quát. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cùng vào cuộc thực hiện thu hồi đất lâm nghiệp, rà soát lại diện tích nào thu hồi, diện tích nào giao cho người dân; hiện nay việc trồng rừng chưa đạt hiệu quả, đề nghị UBND tỉnh xem xét để trong 6 tháng cuối năm có thể hoàn thành kế hoạch đề ra; công tác quản lý giống cây trồng, phân bón phục vụ sản xuất còn buông lỏng. Cần tăng cường công tác lãnh đạo và có biện pháp chấn chỉnh; đề nghị UBND tỉnh bố trí ngân sách đầu tư thủy lợi vừa và nhỏ để phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững…
Theo đại biểu Trần Cao Nguyên-Bí thư Huyện ủy Kông Chro, huyện và cử tri đã kiến nghị nhiều lần việc xây dựng cầu Yang Trung nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí vốn. Ảnh: Minh Dung |
Trong lĩnh vực đầu tư-xây dựng, nhiều đại biểu cho rằng tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do các sở, ngành chưa chủ động rút ngắn thời gian thẩm định, trả hồ sơ nhiều lần dẫn đến công tác đầu tư xây dựng cơ bản chậm tiến độ, chậm giải ngân; việc chậm giải quyết thủ tục hành chính ở cấp tỉnh dẫn đến việc thu hút đầu tư không đạt được trong những năm qua, tình trạng gây khó khăn phiền hà cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra,... Do vậy, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo, có giải pháp khắc phục tình trạng trên trong thời gian đến. Bên cạnh đó, ở lĩnh vực tài chính- ngân hàng, vấn đề: nợ thuế hiện còn ở mức cao; tình trạng nợ đọng các loại bảo hiểm gần 125 tỷ đồng; người dân gặp khó khăn trong việc chỉnh lý thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi đáo hạn ngân hàng… cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm.
Lĩnh vực văn hóa-xã hội, an ninh-chính trị có nhiều ý kiến xoay quanh các nội dung: Gia Lai thiếu các sản phẩm du lịch, định hướng phát triển du lịch trên địa bàn; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp, tập trung triển khai thực hiện, nhất là công tác quảng bá về du lịch của tỉnh nhà; một số địa phương huy động quá sức dân trong xây dựng nông thôn mới, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân nông thôn. Đề nghị tỉnh chọn những xã có tiềm năng về các tiêu chí, kết hợp cùng những doanh nghiệp có hoạt động gắn với nông thôn và cần có chương trình “khởi nghiệp cho nông dân”; tai nạn giao thông tăng, nguyên nhân do đâu? UBND tỉnh cần có giải pháp phối hợp với Công an Giao thông và Thanh tra Giao thông bố trí chốt giao thông tại các điểm nóng, tránh chồng chéo…
Thảo luận nhiều vấn đề “nóng”
Trong phần thảo luận chung tại Hội trường sáng nay, nhiều nội dung quan trọng đã được các đại biểu quan tâm nêu ý kiến, kiến nghị. Đại biểu Thái Thanh Bình-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Ayun Pa đề cập đến việc xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia gắn với Chương trình nông thôn mới. “Tiêu chí trường học (tiêu chí 05) là một trong 19 tiêu chí quan trọng của Bộ tiêu chí Quốc gia về Nông thôn mới. Theo đó, xã được công nhận nông thôn mới phải có 70% trường học trên địa bàn có cơ sở vật chất đạt chuẩn. Trong khi đó, trường đạt chuẩn Quốc gia tại Gia Lai còn thấp. Tôi đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư hơn nữa cho giáo dục để số trường đạt chuẩn quốc gia bám sát lộ trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo điều kiện để các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch”.
Đại biểu Võ Anh Tuấn-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ia Pa cho rằng tội phạm hình sự xảy ra do sự biểu hiện xuống cấp của giá trị đạo đức gia đình. Ảnh: Minh Dung |
Về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đại biểu Võ Anh Tuấn-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ia Pa cho rằng tội phạm hình sự xảy ra do nguyên nhân trong nội bộ gia đình ngày một tăng. Vậy, cần xem xét lại đạo đức gia đình hiện nay để thế hệ trẻ tiếp thu như thế nào? Hiện tượng này đã xảy ra nhiều năm nay, hệ thống chính trị nhất là các đoàn thể ở địa phương cần tăng cường thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Đại biểu Tuấn cũng đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp Tỉnh lộ 662, Tỉnh lộ 662B qua huyện Ia Pa để phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. “Con đường này đã xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông”-đại biểu Võ Anh Tuấn phản ánh.
Liên quan đến công tác đầu tư công trung hạn, ý kiến của một số đại biểu cho rằng nên cân đối nguồn vốn đầu tư cho các công trình, trong đó ưu tiên cho những công trình cấp thiết. Bởi trên thực tế hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh, nhiều công trình cần được đầu tư để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nhưng chưa được đầu tư. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Cao Nguyên-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kông Chro nêu dẫn chứng: “Cầu Yang Trung của huyện Kông Chro có tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng. Huyện và cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được. Cầu này được xây dựng từ năm 1995 khi dân số của địa phương chỉ khoảng 16.000, đến nay dân số hơn 50.000, nhu cầu đi lại rất lớn, cầu thì xuống cấp, nhịp cầu hở ra, mùa mưa đi cứu lũ cũng không dám đi. Với tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho cả giai đoạn 2016-2020 của tỉnh là hơn 6.500 tỷ đồng thì tôi nghĩ 90 tỷ đồng cho xây dựng cầu Yang Trung là hợp lý. Nên nghiên cứu chứ nếu cứ chờ vốn ODA thì đến khi nào”.
Tại kỳ họp, ông Hồ Phước Thành-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư xin rút lại tờ trình 2187/TTr-UBND “Về việc đề nghị quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020”. Đại biểu này cũng nghiêm túc nhận khuyết điểm của mình trước các đại biểu HĐND tỉnh, đồng thời sẽ hoàn chỉnh và trình tại kỳ họp lần sau. |
Đối với vấn đề này, đại biểu Hồ Phước Thành-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm rõ thêm: “Vốn đầu tư trung hạn thì Trung ương phê duyệt 90%, còn lại 10% là nguồn dự phòng. Tuy nhiên nguồn dự phòng thì sau khi được phê duyệt mới được sử dụng. Với một số dự án sau khi Trung ương phê duyệt thì nguồn vốn của tỉnh không đáp ứng được”. Đại biểu Hồ Phước Thành đã xin rút lại tờ trình về phân bổ vốn đầu tư công trung hạn trên địa bàn do Sở Kế hoạch -Đầu tư tham mưu trình Hội đồng nhân tỉnh tại kỳ họp này để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu đề cập về những vấn đề khác mà cử tri và dư luận quan tâm hiện nay như: công tác giải phóng mặt bằng đối với một số dự án, công trình; hỗ trợ cho xây dựng Nông thôn mới; đầu tư phát triển cho vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn; công tác phát triển doanh nghiệp cần đi đôi với hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...; các đại biểu cho rằng HĐND và UBND tỉnh cần xem xét cụ thể và có chủ trương hợp lý.
Chiều nay (12-7), kỳ họp sẽ tiến hành thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn.
Gia Lai Điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc nội dung kỳ họp.
Minh Dung