Dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện biên giới Đức Cơ rất quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng số. Hiện 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện có máy tính; UBND các xã, thị trấn đều có máy scan, photocopy; 100% cơ quan, đơn vị được kết nối mạng internet; 10/10 xã, thị trấn đã có phòng họp trực tuyến. Huyện cũng đã đầu tư hệ thống tường lửa SOPHOS cho 2 máy chủ đặt tại trụ sở UBND huyện.
Để đạt được kế hoạch đề ra, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: Huyện sẽ huy động, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư; kết hợp các nguồn lực (cơ chế, chính sách, tài chính, nhân lực, vật lực...) để xây dựng và phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số với phương châm: “Người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, là chủ thể, vừa là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số”. Cùng với đó, huyện tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cải thiện các chỉ số chuyển đổi số của địa phương.
Là trung tâm kinh tế-văn hóa-xã hội của tỉnh, công tác chuyển đổi số cũng được thành phố Pleiku vô cùng chú trọng. Hiện thành phố đã xây dựng được Trung tâm điều hành đô thị thông minh; hệ thống camera và hệ thống chiếu sáng thông minh; phần mềm phản ánh hiện trường và hệ thống App Pleiku trực tuyến. Pleiku cũng có hạ tầng internet băng rộng chất lượng cao được triển khai tại các khu công nghiệp, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện trên địa bàn; phát triển hạ tầng mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G theo các định hướng phát triển lĩnh vực viễn thông; phổ cập điện thoại di động thông minh trên địa bàn.
Hiện nay, TP. Pleiku cũng đã chuyển đổi toàn bộ mạng internet sang ứng dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (IPv6); duy trì mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã. Song song với đó, thành phố phát triển hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (IoT); xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như: giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.700 trạm thu phát sóng và 11 trạm điều khiển thông tin di động, tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt trên 56,1%, tỷ lệ thuê bao điện thoại/100 người dân đạt gần 92,4%. Nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền và nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của người dân, phát triển kinh tế-xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2575/KH-UBND về phát triển hạ tầng số giai đoạn 2023-2025.
Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt tối thiểu 85%; tốc độ băng rộng di động đạt 45 Mbps (tốc độ tải xuống theo i-Speed hiện tại là 38,09 Mbps); tỷ lệ thôn, làng được phủ sóng di động băng rộng đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng cáp quang đạt tối thiểu 80%; tối thiểu 50% hệ thống thông tin dùng chung cấp tỉnh có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây; nâng cấp trung tâm dữ liệu của tỉnh đạt tiêu chuẩn điện toán đám mây. Về hạ tầng công nghệ số, tỉnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), IoT vào các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Có ít nhất 70% cơ quan, tổ chức nhà nước, 60% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số; hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số.
Việc lập kế hoạch phát triển hạ tầng số được triển khai song song, đồng bộ hoặc lồng ghép với triển khai hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác. Các doanh nghiệp phối hợp phát triển hạ tầng số theo nguyên tắc dùng chung, chia sẻ. Phát triển hạ tầng số đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, an toàn, tin cậy, có bước đi và lộ trình cụ thể. Hạ tầng số phát triển theo hướng mở, ảo hóa, tối ưu cho việc dùng chung để có thể được cung cấp như một dịch vụ, trong đó giải pháp đột phá là hạ tầng điện toán đám mây và các nền tảng số.