Nam Bộ, Tây Nguyên bao giờ vào mùa mưa?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Dự báo khoảng 10 ngày cuối tháng 5, gió mùa Tây Nam bắt đầu hoạt động, gây mưa cho các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên, chấm dứt đợt nắng hạn kéo dài và khốc liệt nhiều tháng qua.

Mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ năm nay đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, phải chờ đến những ngày cuối tháng 5, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh dần nên mưa có khả năng gia tăng hơn ở Tây Nguyên và Nam Bộ.

Nhờ mùa mưa đến, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn ở Nam Bộ và Tây Nguyên có thể được cải thiện dần từ cuối tháng 5.

Khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên đang trải qua một trong những mùa khô gay gắt nhất trong lịch sử. Nắng nóng bắt đầu ở Đông Nam Bộ ngay từ tháng 1, từ cuối tháng 3, mở rộng ra Tây Nam Bộ. Từ tháng 4, Tây Nguyên cũng xuất hiện nắng nóng gay gắt. Thời gian qua, hàng loạt kỷ lục nhiệt độ đã được ghi nhận ở khu vực này.

Nam Bộ có thể bắt đầu mùa mưa từ cuối tháng 5.

Nam Bộ có thể bắt đầu mùa mưa từ cuối tháng 5.

Chỉ riêng tháng 4, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài trong tháng với nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 1-3 độ, riêng Tây Nguyên có nơi cao hơn 3 độ.

Cùng với nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ trải qua một mùa khô hiếm thấy khi nhiều khu vực hầu như không có mưa trong nhiều tháng, dẫn đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng đã xảy ra, chỉ riêng tháng 4, lượng mưa của Đông Nam Bộ thiếu hụt 100mm so với trung bình nhiều năm. Nhiều nơi trong khu vực lượng mưa thiếu hụt 60-90% so với trung bình nhiều năm.

Trước khi đón mùa mưa, dự báo trong 20 ngày đầu tháng 5, Nam Bộ và Tây Nguyên tiếp tục có nắng nóng gay gắt.

Dự báo trong hai ngày 2-3/5, nhiệt độ cao nhất ở Nam Bộ phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 39 độ. Tây Nguyên nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-36 độ, có nơi trên 37 độ. Đợt nắng nóng này kéo dài đến khoảng 4-5/5, sau đó hạ nhiệt rồi quay trở lại.

Dự báo trong tháng 5, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần, nhưng vẫn duy trì ở mức cao, riêng trên sông Vàm Cỏ, Cái Lớn, Cái Bé xâm nhập mặn duy trì ở mức cao đến giữa tháng 5, sau đó giảm dần vào cuối tháng.

Có thể bạn quan tâm

Bão Trà Mi gây mưa lớn hơn bão YAGI

Bão Trà Mi gây mưa lớn hơn bão YAGI

Tính đến sáng nay (29/10), lượng mưa do bão Trà Mi gây ra ở một số nơi tại Quảng Bình - Quảng Trị lên tới 700-900mm, riêng hồ Sông Thai (Quảng Bình) trên 1000mm, cao hơn nhiều so với lượng mưa do bão YAGI gây ra tại Hà Giang, Yên Bái và Hoà Bình.