Học sinh vùng khó làm nhang đuổi muỗi từ thảo dược

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ những nguyên liệu quen thuộc như: sả, vỏ cam, hoa cúc vạn thọ… nhóm học sinh lớp 12A6 của Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) đã điều chế “Nhang thảo dược đuổi muỗi” thân thiện với môi trường. Sản phẩm đạt giải nhì tại Hội thi thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai năm học 2022-2023.

Em Phan Thị Thu Trâm-Trưởng nhóm nghiên cứu-chia sẻ: “Qua quan sát, chúng em nhận thấy, hàng năm, dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp. Trên thị trường có rất nhiều loại nhang đuổi muỗi. Tuy nhiên, một số loại nhang không rõ nguồn gốc, có nhiều hóa chất hoặc không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chính vì thế, chúng em đã nghiên cứu, tạo ra nhang đuổi muỗi có nguồn gốc thảo dược với mong muốn mang lại sự an toàn cho sức khỏe con người cũng như môi trường sống”.

Ý tưởng này được Trâm cùng 4 bạn học sinh lớp 12A6 nghiên cứu thực hiện từ tháng 9-2022. Nhóm đã tiến hành thử nghiệm nhiều loại thảo dược rồi quyết định chọn nguyên liệu chính là: sả, hoa cúc vạn thọ, vỏ cam, bột keo bời lời. Bởi theo kinh nghiệm dân gian, mọi người thường đốt sả, vỏ cam, hoa cúc vạn thọ để tạo khói hay xoa tinh dầu sả lên người để xua đuổi muỗi.

Nhóm tác giả nghiên cứu, điều chế nhang thảo dược trừ muỗi. Ảnh: Minh Nhật

Nhóm tác giả nghiên cứu, điều chế nhang thảo dược trừ muỗi. Ảnh: Minh Nhật

Sau khi xác định được nguyên liệu, các em bắt tay vào thử nghiệm. Trong quá trình điều chế, nhóm tác giả cũng gặp không ít khó khăn, trải qua nhiều thất bại do chưa cân đối được tỷ lệ nguyên liệu, các thành phần không kết dính. Qua nhiều lần thử nghiệm, các em đã chọn được tỷ lệ thích hợp là 3:3:1 (bột hoa cúc, tinh dầu sả, bột cam) để tạo ra sản phẩm đảm bảo về mùi hương, hiệu quả đuổi muỗi, thời gian cháy và thời gian bảo quản. Sau 2 tháng miệt mài thử nghiệm, sản phẩm “Nhang thảo dược đuổi muỗi” cũng hoàn thành và đạt hiệu quả cao.

Để làm nhang, các em lựa chọn những cây sả được trồng 10-12 tháng, thân mập, chắc khỏe để có mùi hương tốt hơn những cây sả non và mỏng. Sau đó, sả được loại bỏ phần ngọn, vỏ và những phần hư hỏng rồi cắt thành từng đoạn nhỏ khoảng 3-4 cm, rửa sạch, đập dập nhẹ bỏ vào hũ thủy tinh ngâm với rượu trắng 3-5 ngày. Tiếp đến, bỏ phần sả và rượu đã ngâm vào máy xay nhuyễn rồi cho vào hũ thủy tinh ngâm trong vòng 30 ngày, đặt ở nơi khô thoáng, tránh ánh sáng mặt trời. Sau 30 ngày, dùng rây lọc bỏ phần xác sả và chiết xuất lấy tinh dầu.

Nhóm tác giả gồm 5 thành viên (theo thứ tự từ phải sang) đến từ Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) nhận giải nhì tại Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai. Ảnh: Minh Nhật

Nhóm tác giả gồm 5 thành viên (theo thứ tự từ phải sang) đến từ Trường THPT Hà Huy Tập (huyện Kông Chro) nhận giải nhì tại Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai. Ảnh: Minh Nhật

Nguyên liệu hoa cúc vạn thọ và vỏ cam được phơi khô, xay nhuyễn đem trộn với bột keo bời lời. Tinh dầu sả được trộn với hỗn hợp để tạo sự kết dính, lấy que tre đã được vót sẵn, lăn cho hỗn hợp bọc kín chân nhang là hoàn thành sản phẩm. Sau đó, phơi nắng khoảng 2 ngày là có được cây nhang thành phẩm. Mỗi cây nhang cháy gần 20 phút. Để làm ra sản phẩm này, nhóm tác giả nhận được sự đồng hành, hướng dẫn của cô Trần Thị Bảo Trân-giáo viên môn Sinh học Trường THPT Hà Huy Tập. Cô Trân cho biết: “Những nguyên liệu tạo ra nhang đuổi muỗi đều rẻ tiền và có sẵn ở địa phương. Một số nguyên liệu tưởng chừng vứt bỏ nhưng lại có công dụng hữu ích. Khi các em trình bày ý tưởng, tôi thấy rất hay và hỗ trợ các em những kiến thức liên quan”.

Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn: Đang là học sinh nhưng các em đã có một dự án rất hay và ý nghĩa. Sản phẩm vừa góp phần bảo vệ môi trường, phòng-chống dịch bệnh vừa có thể gây quỹ để giúp đỡ các học sinh khó khăn. Việc các em tự nghiên cứu để tạo ra một sản phẩm có ích cho cộng đồng rất đáng biểu dương.

Sau khi hoàn thành, nhóm tác giả đã mang sản phẩm tặng bạn bè cùng lớp và thầy cô dùng thử cùng phiếu khảo sát thì nhận được kết quả đánh giá tích cực. Nhiều người đặt mua thêm vì nhang thảo dược có mùi thơm dễ chịu, không cay mắt và có tác dụng đuổi muỗi khá tốt. Mỗi hộp nhang thảo dược gồm 20 cây có giá 20.000 đồng. Các em đã bán được 300 hộp nhang thảo dược trừ muỗi với số tiền 6 triệu đồng. Số tiền này được trao lại cho Đoàn trường để tặng quà cho 21 học sinh khó khăn của trường trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Ưu điểm của sáng kiến này là các nguyên liệu đều “cây nhà lá vườn”, rẻ tiền, dễ kiếm, có sẵn ở địa phương. Sản phẩm có thể bảo quản trong 6 tháng. Hiện nay, nhóm tác giả thực hiện hoàn toàn bằng thủ công nên sản phẩm chưa thực sự đẹp mắt. Em Lê Thị Ý bày tỏ: “Chúng em rất vui vì có thể tạo ra sản phẩm đuổi muỗi với nguyên liệu từ thảo dược, an toàn, thân thiện với môi trường và người sử dụng. Việc tạo ra nhang thảo dược đuổi muỗi đã góp phần làm phong phú thêm các phương pháp đuổi muỗi hiện nay. Sắp tới, chúng em sẽ tiếp tục điều chỉnh để hoàn thiện sản phẩm cũng như mẫu mã, bao bì nhằm tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn”.

Tại Hội thi thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai năm học 2022-2023 do Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức vào đầu tháng 1-2023, sản phẩm “Nhang đuổi muỗi thảo dược” của nhóm tác giả đã đạt giải nhì và được Ban giám khảo đánh giá cao.

Có thể bạn quan tâm

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

Tài năng “nhí” làng Bok Ayơl

(GLO)- Hình ảnh cậu bé Husy (11 tuổi, làng Bok Ayơl, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đứng trên sân khấu say sưa diễn tấu tiết mục “Độc tấu t’rưng-Buôn làng ấm no” tại Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn tỉnh lần thứ III diễn ra hồi tháng 10 vừa qua đã để lại ấn tượng thật khó phai.

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Những đứa trẻ… không tuổi thơ

Không được đến trường, những đứa trẻ từ 5-10 tuổi ăn mặc lem luốc lượn lờ khắp nơi xin tiền người đi đường, bất kể trời mưa nắng. Không có tuổi thơ, giờ chúng là “phương tiện” để người lớn kiếm tiền trên lòng thương cảm của người khác.