(GLO)- Ngày 25-5, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 1051/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án phòng-chống sạt lở bờ sông, bờ suối đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể như: Điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ suối trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, suối, lòng sông, giảm thiểu tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở; phấn đấu đến năm 2023 các khu dân cư ven sông, ven suối ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở; quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, suối; chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; đến năm 2025, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, suối.
Xử lý điểm sạt lở trên đèo Tô Na (địa phận xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) do mưa lớn gây ra. Ảnh: Lê Hòa |
Trong kế hoạch nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về phòng-chống sạt lở; xây dựng cơ sơ dữ liệu liên quan đến sạt lở bờ sông, bờ suối. Tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động ven sông, suối ảnh hưởng đến sạt lở; hiện đại hóa công tác quan trắc, dự báo, kịp thời cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ suối. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực để phòng-chống sạt lở; xây dựng công trình tại các khu vực trọng điểm để phòng-chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình hạ tầng thiết yếu.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ trên, kế hoạch đã đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng-chống sạt lở bờ sông, bờ suối; tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết kế quy hoạch; triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt, giải pháp căn cơ lâu dài, các công trình, phi công trình để phòng-chống sạt lở. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phòng-chống sạt lở; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chia sẻ thông tin dữ liệu, kinh nghiệm trong phòng-chống sạt lở bờ sông, bờ suối, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác phòng-chống sạt lở. Bố trí ngân sách nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn lực từ khối tư nhân, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi cho công tác phòng-chống sạt lở bờ sông, bờ suối.
HÀ SỰ